Từ 16h30 hằng ngày, quán cơm mới bắt đầu bán hàng, nhưng nhiều thực khách đến ăn từ rất sớm. Nhiều người trong số họ đầu đã bị rụng hết tóc bởi tác dụng của những đợt xạ trị. Có người trên tay vẫn còn băng vết kim truyền, thậm chí khuôn mặt còn nét của những cơn đau do bệnh tật hành hạ. Tuy nhiên, khi đến quán Nụ cười Shinbi - cơm 2k lại chỉ có niềm vui, những cuộc trò chuyện rộn tiếng cười.
Thực đơn được chủ quán thông báo trên bảng mỗi ngày.
Bữa ăn được chuẩn bị bằng tình yêu thương với đầy đủ chất dinh dưỡng, không thể thiếu hoa quả tráng miệng.
Đã trở thành thói quen, cô Phùng Thị Yến - một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi biết tới nơi đây, mỗi bữa ăn tại Nụ cười Shinbi đều rất ngon miệng và hợp khẩu vị”.
Chị Nguyễn Thị Niên (quận Hà Đông, Hà Nội) là một tình nguyện viên luôn có mặt tại quán vào mỗi buổi chiều để giúp đỡ mọi người chia sẻ: “Con cái đã lớn hết nên buổi chiều rảnh rỗi mình sẽ qua quán để phụ giúp được việc gì hay việc đó. Mình thấy vui và may mắn khi được góp chút sức nhỏ giúp đỡ quán, đem lại những bữa ăn thật ngon cho những người có hoàn cảnh khó khăn khi tới quán”.
Chủ quán “Nụ cười Shinbi” là vợ chồng anh Võ Tiên Lâm và chị Nguyễn Trà My (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, tiền thân của “Nụ cười Shinbi” là quán cơm cùng mô hình với tên gọi “Yên vui Tân Triều”. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quán đã không thể tiếp tục hoạt động được nữa nên hai vợ chồng chị đã quyết định thuê lại quán này để tiếp tục vận hành, phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Chị My cho biết thêm, khi vận hành quán, vợ chồng chị gặp nhiều thuận lợi đó là sự ủng hộ của bạn bè và những tấm lòng hảo tâm, đặc biệt, là một người bạn đang làm trong lĩnh vực nha khoa. Chính vì vậy, vợ chồng chị My đã đặt tên quán cơm là Nụ cười Shinbi để tri ân người bạn đó. Ngoài ra, “Nụ cười” còn mang thông điệp hi vọng mọi người dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất thì hãy luôn giữ nụ cười trong tim. Ngoài ra, mỗi suất cơm chỉ với giá 2.000 đồng, với mong muốn tất cả mọi người được trả tiền cho phần ăn của mình, không ai có cảm giác nợ nần hay mặc cảm vì bản thân xin gì đó từ người khác.
Thu Hà - B.Châu