Phụ nữ Việt Nam từ “anh hùng, bất khuất” đến “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”

Nguyễn Thu Trang
Từ ngàn xưa, phụ nữ Việt Nam đã có truyền thống yêu nước; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống quý báu ấy tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam tháng 10/1966: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Với tinh thần bất khuất của những người phụ nữ Việt Nam anh hùng, Bác đã tặng cho chị em phụ nữ 8 chữ vàng: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.

Lịch sử Việt Nam và Nhân dân mãi khắc ghi những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Đó là những Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Lê Chân … và trong công cuộc kháng chiến cứu nước là những Nguyễn Thị Định, Chị Út Tịch, Võ Thị Sáu …

Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Như vậy, Đảng ta đã sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng, từ đó, Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (Công hội, Nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

anh-phu-nu-viet-nam-1-1697761577.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2-1949. Ảnh tư liệu.

Chính vì vậy, vào ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hàng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày phụ nữ Việt Nam”.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất. Những tấm gương chói ngời trong giai đoạn này như chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, chị Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm … đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của phụ nữ.

Ngày nay, với sự phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, 8 chữ vàng “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” chính là kim chỉ nam dành cho phụ nữ hiện đại. Đồng thời cũng đang khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ Việt trong thời kỳ mới.

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, hiện Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực và trên thế giới, đứng thứ 43/143 trên thế giới và thứ 2 trong 8 nước ASEAN có Nghị viện.

Rất nhiều phụ nữ Việt đã và đang đạt được những thành tựu đáng mơ ước mà rất nhiều đấng mày râu cũng phải thán phục trong thời kỳ đổi mới, những gương mặt nổi bật như: Nhà chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân, Trương Thị Mai, nữ chính khách Tòng Thị Phóng,... Nữ Giáo sư toán học: GS.TS.NGND Hoàng Xuân Sính. Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Mai Kiều Liên, Thái Hương,...

Trong bối cảnh tình hình mới ở khu vực và trên thế giới, hòa bình và an ninh đã trở thành mục tiêu, trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, dân tộc và nhân loại, trong đó có Việt Nam và phụ nữ Việt Nam. Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang," với tinh thần “đoàn kết-đổi mới-bình đẳng-hội nhập," phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện mục tiêu hòa bình, an ninh của đất nước, khu vực và thế giới.

Vượt qua những rào cản khó khăn, lực lượng nữ quân nhân xung phong lên đường với một khí thế quyết tâm, đến những miền đất xa xôi như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, khu vực Abyei…, nơi điều kiện sống còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, người dân còn nghèo khó, lạc hậu; đối mặt với bệnh tật, hiểm nguy rình rập mỗi khi xung đột; vượt qua nỗi nhớ con, nhớ gia đình… để thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ, giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất ở vùng đất sở tại.

anh-phu-nu-viet-nam-2-1697761578.jpg
Những nữ sỹ quan gìn giữ hòa bình trong Tổ Phụ nữ Bệnh viện dã chiến 2.3 gửi quà cho phụ nữ địa phương tại Nam Sudan. Ảnh: BVDC2.3

Năm 2017, Việt Nam cử nữ sỹ quan đầu tiên là Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Trong hơn 8 năm qua, Việt Nam đã cử trên 70 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có cả các nữ sỹ quan tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập (chiếm khoảng 20% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%) và các nữ quân nhân trong đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 (chiếm 16-21% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%) và đội công binh (chiếm gần 12%), trong khi có một số đội công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các nước không có nữ quân nhân tham gia.

Tại các phái bộ, các nữ quân nhân Việt Nam hoạt động ở nhiều vị trí với vai trò khác nhau như: Sỹ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, huấn luyện, quân y...

Những nữ sỹ quan gìn giữ hòa bình chính là cầu nối giúp xây dựng lòng tin giữa các phái bộ với các cộng đồng địa phương, từ đó góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột và đối đầu. Các chị là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, không chỉ giữ gìn và nhân lên giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà còn thể hiện sự dũng cảm, bản lĩnh, trí tuệ, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, sẵn sàng thích ứng với mọi điều kiện, kể cả những môi trường làm việc khó khăn nhất.

Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Tạp chí Nhân đạo xin kính chúc các bà, các mẹ, các chị sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt. Hãy sống hết mình, cháy hết mình; biết yêu những gì mình đang có, khẳng định mình trong cuộc sống bằng lòng chân thành, vị tha, thủy chung, trí tuệ và yêu thương; tiếp tục phát huy sức lực và tâm huyết của mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; là tổ ấm, là chỗ dựa vững chắc trong mỗi gia đình và toàn xã hội.

Trần Thu Hương