Phổ biến luật pháp, chính sách bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ngày 27/5, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông cập nhật về luật pháp, chính sách về bình đẳng giới cho khoảng 150 đại biểu.
binh-dang-gioi-27052022-1653695057.jpeg
Thực hiện bình đẳng giới về chính trị, nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Ảnh minh họa: Đặng Tuấn/TTXVN

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ, có gần 2 phụ nữ (gần 63%) đã từng chịu một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như: kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, hơn 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/ bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Không chỉ với phụ nữ, bạo lực gia đình với trẻ em cũng diễn ra phổ biến. Trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Những số liệu và các vụ việc trên cho thấy, sự tồn tại và mức độ ảnh hưởng mọi mặt của hành vi bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em Việt Nam hiện nay, yêu cầu các ngành, các cấp cần có những giải pháp hành động ngay nhằm chung tay giải quyết tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Một giải pháp quan trọng là tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của toàn xã hội về thực hiện bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ định kiến giới và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại, đảm bảo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Thông qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng để phát huy vai trò, trách nhiệm và tính chủ động trong hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em; hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh không bạo lực, một cộng đồng an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người. Chung tay hành động là giải pháp hữu hiệu để chúng ta chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Thông qua các vở kịch tình huống và thảo luận chuyên sâu, các đại biểu cùng tìm hiểu, thảo luận về những điểm mới trong luật pháp, các chính sách liên quan về bình đẳng giới và bạo lực giới. Điển hình là Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình truyền thông quốc gia về bình đẳng giới tới năm 2030; Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women nhấn mạnh: “Những chính sách, luật pháp này là cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam trong thời gian 5-10 năm tới. Việc cập nhật chính sách, luật pháp mới cho các bên liên quan là rất quan trọng để đảm bảo việc thực thi hiệu quả trong đời sống hàng ngày của người dân thay vì chỉ là hình thức trên giấy tờ”.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam 2021-2025” do UN Women, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện dưới sự tài trợ của Chính phủ Australia.