Những ngày gần đây, tại số 18 (P. Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng) bất ngờ xuất hiện “phiên chợ 0 đồng” dành cho người dân gặp khó khăn trong lúc giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, không ít người đã rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua hàng trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân khắp mảnh đất Đà thành đã và đang chung tay giúp sức người nghèo, người khó khăn về vật chất, tinh thần cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
“Phiên chợ 0 đồng” được dựng tạm tại số 18 Thành Thái do một nhóm thiện nguyện dựng lên dưới sự đóng góp kinh phí của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân khắp nơi.
Các mặt hàng thiết yếu tại đây được bày bán chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu như: Gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm, đường, hàng chục loại rau củ quả…
Để “Phiên chợ 0 đồng” hoạt động hiệu quả, đúng đối tượng, nhóm thiện nguyện kết hợp với chính quyền địa phương rà soát những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tiến hành phát phiếu đi chợ cho mỗi gia đình.
“Mỗi phiếu tương ứng với khoảng 200.000 đồng, người dân mang phiếu đến chợ để mua sắm các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu”, một thành viên trong nhóm thiện nguyện nói.
Mỗi ngày nhóm sẽ tiến hành phát hành 100 phiếu, tương ứng với 100 suất để người dân đi chợ mua sắm.
Trao đổi với PV, bà Hồ Thị Thanh Huyền (65 tuổi) cho biết: “Gia đình gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh do không thể đi làm, kiếm tiền được nên được chính quyền hỗ trợ bằng một tờ phiếu để đi chợ. Ban đầu tôi cứ ngỡ mỗi phiếu này chỉ được mua một vài món đồ nhưng ai ngờ đến đây thấy được mua đến 2 túi lớn rau củ, đồ thiết yếu nên bản thân rất xúc động”.
Dù may mắn có trên tay tấm phiếu đi chợ, nhưng bà Huỳnh Thị Hải (60 tuổi trú tại phường Thanh Khê – quận Cẩm Lệ) xúc động: “Không biết nói gì hơn là cảm ơn đến các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho bà con chúng tôi lúc gặp khó khăn. Tuy nhiên, hôm nay đi chợ được mua quá nhiều đồ miễn phí nên tôi sẽ mang về tặng lại cho nhiều hàng xóm cũng gặp khó khăn nhưng chưa được cấp phiếu”.
Chung quan điểm với bà Hải, ông Nguyễn Đình Toan (phường Vĩnh Trung – quận Thanh Khê) làm nghề bán bánh mì dạo, ông nói: “Trước dịch tôi làm nghề bán bánh mì dạo, thu nhập cũng đủ trang trải cho cuộc sống nhưng từ lúc dịch đến nay hơn 20 ngày tôi phải ở nhà nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nay được chính quyền, các mạnh thường quân hỗ trợ mua sắm tại phiên chợ tôi không biết nói gì hơn là gửi lời cảm ơn. Tuy nhiên, do thấy mỗi suất quà quá nhiều, trong khi xã hội còn rất nhiều người khó khăn nên tôi chỉ nhận một nửa, số còn lại nhường cho những người khác”.