Phát triển kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế Thủ đô

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Hà Nội cùng với cả nước vừa trải qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể. Trong thời gian đó, kinh tế Thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng khá, tạo cơ hội phát triển cho kinh tế tập thể. Kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX kiểu mới đã đáp ứng một phần nhu cầu của người lao động, hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và cả nước. 
kinh-te-tap-the-1654573557774650540482-1654619799.jpg
Nhiều hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ "xanh" vào sản xuất

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của Hà Nội cho thấy, kinh tế tập thể đã có bước chuyển biến rõ rệt, mang lại hiệu quả cao.

"Trong bối cảnh thực hiện đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội có sự kiện đặc biệt là Quốc hội ban hành và thực hiện Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô. Luật và các cơ chế chính sách đối với khu vực kinh tế tập thể từng bước được hoàn thiện. Kinh tế của tỉnh Hà Tây cũ, thành phố Hà Nội cũ và Hà Nội sau hợp nhất trong nhiều năm qua luôn duy trì mức tăng trưởng khá, tạo cơ hội phát triển cho kinh tế tập thể. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, cùng với sự nỗ lực của các tổ hợp tác, các hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, kinh tế tập thể Thủ đô ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô", ông Phong cho biết.

Hiệu quả, thực chất, dẫn đầu cả nước

Trong gần 20 năm qua, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX luôn được củng cố và tăng cường; là kim chỉ nam để kinh tế tập thể đi đúng hướng và đạt được hiệu quả.

Cấp ủy và tổ chức đảng trên địa bàn Thành phố thường xuyên quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, tích cực chỉ đạo tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời chú trọng giáo dục chính trị, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng về vị trí, vai trò kinh tế tập thể trong thời kỳ mới trong toàn Đảng bộ, nhân dân; thường xuyên kiểm tra, tổng kết, biểu dương và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả.

Để phát triển kinh tế tập thể, Thành phố đã chỉ đạo thống nhất quan điểm về phát triển kinh tế tập thể và chú trọng tạo lập môi trường thể chế, tâm lí xã hội thuận tiện cho kinh tế tập thể, HTX phát triển thông qua công tác tuyên truyền, truyền thông và ban hành hệ thống đồng bộ các văn bản để tổ chức thực hiện Nghị quyết, khẳng định nhất quán quan điểm về phát triển kinh tế tập thể. Qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Cùng với đó, thành viên và người lao động trong các HTX cũng hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của HTX và quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia.

Theo ông Nguyễn Tiến Phong, trải qua 20 năm đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, đến nay trên địa bàn Thành phố đã có 1.393 tổ hợp tác, trong đó có 1.254 tổ hợp tác trong nông nghiệp, 139 tổ hợp tác phi nông nghiệp.

Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động đa dạng. Việc thành lập các tổ hợp tác đã đáp ứng và khắc phục được khó khăn của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, đến cuối năm 2021, Hà Nội có 2.261 HTX và quỹ tín dụng nhân dân, tăng 143% số HTX so với thời điểm cuối năm 2008. Thành phố cũng có 20 liên hiệp HTX, trong đó có 8 liên hiệp HTX nông nghiệp, 11 liên hiệp HTX phi nông nghiệp. Số lao động làm việc thường xuyên trong các HTX là 47.935 lao động; lãi bình quân của 1 HTX đạt 168 triệu đồng/năm (tăng 175,41% so với 31/12/2003).

Từ năm 2003, nhất là từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, các HTX đã củng cố lại tổ chức bộ máy quản lý; thành viên tham gia theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Có thể thấy, năng lực, trình độ cán bộ quản lý HTX và tay nghề của người lao động trong HTX được cải thiện, dần đáp ứng được các yêu cầu phát triển.

Các HTX đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Một số HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường. Nhiều HTX đã có tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên.

Các HTX, liên hiệp HTX hiện nay đang từng bước trở thành nhân tố mới, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào GRDP mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như HTX Cuối Quý, HTX Hoa lan Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX Công nghệ cao Thăng Long; HTX Rau củ quả Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; HTX Sông Hồng, huyện Đông Anh; HTX Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm…

Có thể thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với phát triển kinh tế tập thể của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở trong thời gian qua luôn được quan tâm. Kinh tế tập thể, kinh tế HTX đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của Thành phố, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Số lượng HTX, liên hiệp HTX tiếp tục tăng lên. Hiện Hà Nội là địa phương có số lượng HTX dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%). Hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn.

Vượt qua khó khăn, không ngừng phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Tiến Phong, việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết của Trung ương, đề án, chương trình của Thành ủy về kinh tế tập thể của một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên. Nhận thức về vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của phát triển kinh tế tập thể, mô hình HTX kiểu mới của một số cán bộ, đảng viên, thành viên HTX và nhân dân chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, số lượng HTX, tổng số vốn sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tập thể còn chiếm tỉ trọng nhỏ. Thu nhập bình quân đầu người/tháng trong khu vực kinh tế tập thể vẫn ở mức thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác. Quy mô HTX còn nhỏ, số lượng HTX có nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 76,6%. Một số HTX chậm thích nghi với cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa, kết nối cung cầu hàng hóa còn hạn chế.

Ông Nguyễn Tiến Phong nhận định hiện nay tình hình thế giới và khu vực, tình hình trong nước đang có những diễn biến mới, vừa tạo cơ hội, song cũng có khó khăn, thách thức đối với khu vực kinh tế tập thể. Thời gian tới, kinh tế tập thể, kinh tế HTX trên thế giới tiếp tục phát triển và có sự liên kết, hợp tác giữa quốc gia. Ở Hà Nội, với nguyên tắc tự nguyện, số lượng HTX thành lập mới tiếp tục tăng lên và HTX kiểu mới sẽ phát triển theo xu hướng chung này.

Với quan điểm kinh tế tập thể, kinh tế HTX vẫn là xu hướng khách quan, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế tất yếu và quan trọng trong các thành phần kinh tế của Thủ đô. Đồng thời, kinh tế tập thể, kinh tế HTX không những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị-xã hội, an ninh trật tự, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chính vì vậy, phát triển 2 loại hình kinh tế này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.

Theo đó, Hà Nội sẽ nỗ lực, tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế Thủ đô. Phấn đấu kinh tế tập thể, kinh tế HTX đóng góp với tỉ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó là phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả ngày càng cao. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế HTX kiểu mới phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để các HTX chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ vận động, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 tổ hợp tác; 100 HTX/năm, nâng tổng số HTX đến năm 2025 là 2.498 đơn vị; đến năm 2030 là gần 3.000 HTX. Trong đó, phấn đấu ít nhất 80% HTX hoạt động đạt loại tốt, khá, đạt doanh thu bình quân 3,525 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Thành lập mới khoảng 7 liên hiệp HTX; xử lí dứt điểm các HTX ngừng hoạt động và chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.