Phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội

Nguyễn Diệp Linh
Các dự án bô-xít của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản TKV không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương mà còn giúp giải quyết đáng kể câu chuyện an sinh xã hội cho đồng bào các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng nói riêng, cả vùng Tây Nguyên nói chung…

Khởi sắc nhờ các dự án hiệu quả

Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) được Chính phủ cấp phép và đang hoạt động với hiệu quả kinh tế cao liên tục từ năm 2017. Với thành quả đó, đời sống của người dân xung quanh khu vực ngày càng được cải thiện rõ rệt nhờ công ăn việc làm ổn định và các hoạt động gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Theo Phó giám đốc Công ty Ngô Tố Ninh, sau 5 năm đi vào vận hành (2017-2022), doanh nghiệp này đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách địa phương. Hoạt động khai thác bô-xít, chế biến alumin phục vụ xuất khẩu và quá trình luyện nhôm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Địa bàn xã Nhân Cơ và huyện Đắk R'lấp có nhiều thay đổi đáng kể. Phấn khởi nhất là nhà máy tạo điều kiện làm việc trực tiếp hơn khoảng 1.100 lao động và nhiều lao động gián tiếp liên quan…

Dự án bô-xít Tây Nguyên: Phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội -0

Alumin thành phẩm chờ xuất bán tại Công ty Nhôm Đắk Nông

“Ngay từ đầu, chính sách của TKV đưa ra là ưu tiên người dân trong vùng của dự án làm việc tại nhà máy. Trên thực tế, trước khi đi vào hoạt động, Tập đoàn đã đào tạo miễn phí cho khoảng 645 người dân địa phương để phục vụ cho nhà máy. Hiện nay, số người địa phương làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ là khoảng 600 người và vẫn thực hiện theo cơ chế của TKV, tức là ưu tiên người dân địa phương khi tuyển dụng lao động,” ông Ninh cho hay.

Đáng chú ý là vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông vừa chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch đào tạo, thu hút lao động cho dự án và đặc biệt là các dự án tiếp theo, nếu TKV mở rộng.

Đến buôn Bu Dấp (xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'lấp) những ngày này sẽ thấy không thiếu những ngôi nhà xây mới. Người dân trong buôn chủ yếu là đồng bào M'nông và phần lớn trong độ tuổi lao động giờ đều làm công nhân của nhà máy nhôm. Với thu nhập bình quân khoảng trên dưới 10 triệu đồng/ tháng, cuộc sống của bà con đã đỡ vất vả hơn trước kia nhiều.

"Trước đây khi chưa có nhà máy nhôm, dân trong buôn chỉ biết làm nông nghiệp. Sau khi nhà máy thành lập, tôi may mắn được tuyển dụng vào làm, giờ thu nhập so với trước đây đã ổn định hơn. Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá", anh Điểu Phương, công nhân Nhà máy Alumin Nhân Cơ chia sẻ.

Dự án bô-xít Tây Nguyên: Phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội -0

Phút thư giãn sau giờ làm việc trong khuôn viên ngôi nhà mới xây của công nhân Lê Văn Hòe

Còn vợ chồng anh Lê Văn Hòe là người nhập cư vào địa phương và trở thành công nhân của nhà máy từ 3 năm trước. Gia đình anh vừa xây xong ngôi nhà mới. Từ chỗ phải đi ở thuê, cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định. "Khi từ ngoài Bắc vào đây làm công nhân, ban đầu tôi xác định làm 1 - 2 năm rồi về. Nhưng vào trong này với mức thu nhập ổn định nên tôi đã đưa vợ con vào. Bây giờ vợ chồng tôi cũng mua đất làm nhà, kinh tế cũng ổn định. Giờ chúng tôi xem Nhân Cơ là quê hương thứ 2 của mình và an cư lạc nghiệp nơi đây", anh Lê Văn Hòe phấn khởi cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, từ khi vận hành thử nghiệm tháng 11.2016, sau 6 năm vận hành, dự án đã đem lại kết quả rất tốt cho địa phương. Dự án này đã đóng góp nhiều và quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, nhất là sự tăng trưởng khu vực công nghiệp, chiếm gần 40% sản xuất công nghiệp của tỉnh.

“Dự án đã góp phần đưa tỷ trọng công nghiệp của tỉnh tăng từ 7,9% năm 2016 lên gần 13% vào năm 2021. Dự án cũng đóng góm ngân sách địa phương khoảng 400 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, dự án đã giải quyết công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương và đóng góp nhiều vào công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, dự án đã trích nhiều tỷ đồng làm công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng như hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc”, ông Mười thông tin.

Công ty là nhà, là con của quê hương

Thời gian qua, TKV đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với địa phương. Thông qua hỗ trợ kinh phí, Tập đoàn đã triển khai các công trình phúc lợi xã hội, đóng góp các quỹ phúc lợi trên 175 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2035, TKV sẽ đầu tư, phát triển khoáng sản bô-xít tại Đắk Nông với tổng vốn đầu tư khoảng 120.428 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất của TKV vào khoảng 27.869 ha.

Dự án bô-xít Tây Nguyên: Phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội -0

Một góc Thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'Lấp hôm nay

Công ty Nhôm Đắk Nông có nhiệm vụ trực tiếp quản lý và vận hành Nhà máy Alumin Nhân Cơ với mục tiêu lợi nhuận, sử dụng có hiệu quả phát triển nguồn vốn và các nguồn lực do TKV giao, đóng góp cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động và tích lũy các nguồn lực để phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bô-xít.

Tuy gặp không ít những khó khăn và thách thức, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bằng sự quản lý và chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo TKV, sự điều hành năng động và quyết đoán của Ban giám đốc công ty đã hoạt động ngày càng hiệu quả. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Đắk R'lấp, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã tích cực hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống những gia đình chính sách, đồng bào nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Công ty còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhiều công trình công cộng như trường học, trạm y tế… Ngoài ra, Công ty cũng đã tổ chức tuyển chọn và đào tạo hàng trăm người với chế độ học bổng toàn phần, trong đó phần lớn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng dự án.

Theo báo Đại biểu nhân dân