Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ngày 1/8, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (AMDER 2022) và hội thảo chính sách “Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp”.
dbscl-16593595440221947915958-1659398458.jpg
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo nhằm ghi nhận các ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế xoay quanh những kết quả nghiên cứu từ Báo cáo thường niên và những vấn đề đang diễn ra ở ĐBSCL để khuyến nghị về những chính sách thích ứng để ĐBSCL phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo kết quả nghiên cứu và báo cáo cho thấy, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Vượt qua những tác động bất lợi từ dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Xuất khẩu nông thủy sản của Vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ – cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng – đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là –0,8% và –1,8%.

Đáng chú ý là năng lực cạnh tranh nông nghiệp của ĐBSCL đến từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chứ không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng không chỉ đến từ những biện pháp cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất.

Điều đặc biệt thú vị ở ĐBSCL là khác với mô thức chuyển đổi cơ cấu phổ biến, trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình ở ĐBSCL rất cao, lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%). Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa tiềm năng này tùy thuộc vào chiến lược và chính sách phát triển đúng đắn.

Nhìn từ chiều ngược lại, việc tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này. Mặc dù phát triển nông nghiệp là một tiền đề quan trọng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ.

Báo cáo cũng chỉ ra ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: "Vòng xoáy ngân sách" phản ánh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; "Vòng xoáy lao động" xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; "Vòng xoáy cơ cấu kinh tế" là căn nguyên của 2 vòng xoáy trên.

Thông điệp chủ chốt trong Báo cáo Kinh tế thường niên 2022 là chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Đồng bằng một cách bền vững hơn.

Với vai trò chủ trì xây dựng báo cáo kinh tế Vùng ĐBSCL, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright cho biết: "4 trụ cột trong mô hình phát triển ĐBSCL là kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường. Trong đó, đối với lĩnh vực kinh tế, cần tập trung khắc phục các điểm nghẽn cơ bản như cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, liên kết sản xuất, kết nối với thị trường cao cấp hơn, kết nối số, chuyển đổi số...

TS Vũ Thành Tự Anh cũng đưa ra một số quan điểm chính về mô hình phát triển phù hợp cho ĐBSCL gồm: Hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường; Từng bước chuyển đổi thứ bậc ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh; từ lúa gạo - thủy sản - trái cây sang thủy sản - trái cây - lúa gạo cho vùng; Chú trọng chất lượng và giá trị hơn số lượng; Nước mặn, nước lợ chứ không chỉ nước ngọt đều là tài nguyên quý báu; tháo gỡ các nút thắt phát triển…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực, lãnh đạo Đại học Cần Thơ đề xuất: Rà soát quy hoạch tổng thể và hỗ trợ đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống các Viện, Trường Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp nghề - trọng điểm đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương và vùng. Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp nghề cần tăng cường phát huy và không ngừng đổi mới trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng, theo hướng đáp ứng nhu cầu về ngành nghề, trình độ, số lượng và chất lượng cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Trong đó, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, thủy sản, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, logistics, du lịch...

Sau khi lắng nghe ý kiến của một số chuyên gia và tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ về những khó khăn của người nông dân: "Tôi trăn trở hàng ngày khi nghe tiếng kêu, lời than trách của nông dân từ Hà Giang tới Cà Mau. Mới đầu cũng buồn, giận nhưng nghĩ lại thì thấy thương bà con không thể biết được những gì chúng ta đang bàn về những lý thuyết. Đây là vấn đề của tất cả chúng ta".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu muốn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi quan niệm và cấu trúc dựa trên việc phát triển những giá trị khác ngoài sản lượng. Về khía cạnh kinh tế học, sản lượng nhiều nhất không đồng nghĩa với tăng trưởng cao nhất.

"Những năm gần đây GDP đóng góp của ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo nên giá trị gia tăng bị giảm đi, thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành. Đó là điều mà chúng ta cần lưu ý. Đồng thời, cần định vị lại những giá trị cối lõi, tiếp cận xu thế tại tất cả những ngành hàng. Chiến lược đó phải hướng đến sự tăng trưởng bao trùm, không chỉ gói gọn cụ thể là bao nhiêu phần trăm mà còn phải tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho bao nhiêu người, phải làm sao để cả xã hội cũng như người nông dân được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp"- trưởng ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

MP