Phát huy vai trò tổ cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Nhờ những tổ cộng đồng, nhiều vụ vi phạm đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ.
qngai-1655173415934655493631-1655185703.jpg
Quảng Ngãi thả con giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nhiều địa phương tiên phong thành lập tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Nhiều năm qua, khai thác thủy sản không những tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng ngư dân mà còn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương ven biển. Mặc dù vậy, hiện nay, công tác quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản ở các địa phương còn một số vấn đề tồn tại và hạn chế.

Tại nhiều địa phương, khai thác nguồn lợi thuỷ sản có kích thước nhỏ ảnh hưởng đến phục hồi nguồn lợi. Tình trạng tàu cá có công suất lớn hoạt động sai vùng, sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản trái phép vẫn còn xảy ra làm phá hủy hệ sinh thái ven bờ, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác...

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương ven biển đã thành lập các tổ cộng đồng để tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ thời gian, ngư cụ khai thác; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuần tra, giám sát, nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Thành viên tổ cộng đồng là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống và hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó tự nguyện tham gia, cùng quản lý, chia sẻ lợi ích bảo vệ nguồn lợi thủy sản, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), kể từ năm 2019 đến nay, nhiều địa phương miền Trung đã tiên phong thành lập tổ chức cộng đồng như Hà Tĩnh 15 tổ chức, Bình Định 4 tổ chức, Bình Thuận 3 tổ chức với hàng trăm người/tổ chức tham gia; các địa phương khác như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên cũng đang triển khai xây dựng.

ngu-dan04-16551735815641146526475-1655185778.jpg
Thành viên tổ cộng đồng là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống và hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó tự nguyện tham gia, cùng quản lý, chia sẻ lợi ích bảo vệ nguồn lợi thủy sản.. - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Thông qua tổ cộng đồng, vi phạm IUU giảm

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, toàn tỉnh hiện có 4.589 tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác năm 2021 đạt 264.688 tấn, giá trị thủy sản khai thác chiếm hơn 90% cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản và được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần tạo việc làm cho cộng đồng ngư dân ven biển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Thời gian qua, công tác quản lý nguồn lợi thủy sản ở Quảng Ngãi đã được quan tâm thực hiện thông qua một số hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy sản đến ngư dân; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển…

Dù chưa có tổ chức cộng đồng chính thức nhưng Quảng Ngãi đã thành lập và kiện toàn tổ tình nguyện viên bảo vệ, bảo tồn rùa biển trên đảo Lý Sơn; thả tái tạo nguồn lợi thủy sản với gần 10 nghìn con giống thủy sản các loại tại các hồ chứa, sông và vùng biển ven bờ; hỗ trợ hình thành 299 tổ ngư dân đoàn kết trên biển, 12 nghiệp đoàn nghề cá, 15 chi hội nghề cá và 8 hợp tác xã dịch vụ và khai thác thủy sản xa bờ.....Từ đó cho thấy, cộng đồng ngư dân đã thể hiện vai trò, cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản với nhà nước, với các cơ quan chức năng.

Còn tại Bình Định, hiện có 4 tổ cộng đồng với 220 thành viên được UBND TP. Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý 46,134 ha khu vực biển để phát triển sinh kế bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Sau thời gian khoanh vùng bảo vệ, tại các khu vực biển, hệ sinh thái rạn san hô bước đầu được phục hồi, cụ thể, tại Bãi Dứa (Bình Định) có độ phủ san hô đạt 75,6%, ở Hòn Khô Nhỏ đạt 44,3%, ở Hòn Nhàn-Ghềnh Ráng đạt 31,8% và rạn Bãi Trước-Nhơn Châu đạt 23,1%.

Tại Hà Tĩnh, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, địa phương đã thành lập được 15 tổ chức cộng đồng nghề cá ven bờ với 1.654 thành viên, đã giao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tổng diện tích vùng biển 1.564/1.800km2 (chiếm khoảng 86% diện tích vùng biển ven bờ). Mỗi năm tổ cộng đồng phối hợp đồn biên phòng ven biển xử lý hàng chục trường hợp tàu cá đánh bắt thủy sản sai quy định.

"Chính nhờ tổ cộng đồng mà các vụ vi phạm IUU đã giảm; các tàu cá cũng e dè hơn, không còn kiểu đánh bắt tận diệt hay đánh bắt bất chấp vi phạm vùng biển nước ngoài như trước nữa", đại diện Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin.

"Kinh nghiệm của địa phương là tuyên truyền, vận động để ngư dân hiểu được lợi ích và sự cần thiết phải chống IUU, từ đó họ tự giác thực hiện; phát huy vai trò của những ngư dân uy tín trong cộng đồng, đặc biệt, quan trọng là phải lựa chọn được những người uy tín, năng nổ, nhiệt tình, có nhiều kinh nghiệm để lãnh đạo đội giám sát", Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận chia sẻ.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, vai trò của cộng đồng đối với công tác quản lý bảo vệ hệ sinh thái san hô nói riêng và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ rất quan trọng. Chính nhờ những tổ chức cộng đồng này, rất nhiều vụ vi phạm IUU đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ đang ngày một cạn kiệt.