Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập báo Vietnamnet cho rằng, phản biện xã hội là nhu cầu khách quan của xã hội, xã hội càng tiến bộ thì càng cần phản biện xã hội. Một trong những công cụ để người dân thực hiện phản biện xã hội là báo chí. Tuy nhiên trong thời gian qua, có vẻ như báo chí đang bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực.
Ông Nguyễn Văn Bá cho rằng: “Thiên kiến tiêu cực có thể hiểu là xu hướng báo chí. Không chỉ ghi nhận các kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chú ý vào những sự kiện này. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tin tức tiêu cực có nhiều khả năng được coi là trung thực hơn. Vì thông tin tiêu cực thu hút sự chú ý nhiều hơn, nó cũng có thể được coi là có giá trị cao hơn. Đây có thể là lý do tại cao “tin xấu” dường như thu hút nhiều sự chú ý hơn. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí còn đưa view thành một tiêu chí đối với phóng viên, là tiêu chuẩn đánh giá người làm báo”.
Trên thế giới, “Báo chí kiến tạo” (báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng…) có thể được coi là một phản ứng đối với tình trạng lá cải, giật gân và thiên kiến tiêu cực ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông ngày nay. Do đó cách tiếp cận nhằm mục đích cung cấp cho công chúng một bức tranh công bằng, chính xác và có bối cảnh thực tiễn, mà không quá nhấn mạnh vào tiêu cực và những gì đang xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Bá cũng nhận định, báo chí kiến tạo không xa lạ với nền báo chí Việt Nam. Bởi lẽ, thực tế bằng hành động của mình nhiều tờ báo đã đưa ra giải pháp cho các cơ quan chức năng hoặc thu thập những giải pháp từ người dân để chuyển đến cơ quan chức năng…
Còn theo TS Vũ Thanh Vân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, báo chí kiến tạo là trường phái báo chí nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Khi càng ngày nhiều vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp nảy sinh, vai trò tích cực của báo chí càng được coi trọng. Nếu báo chí tô đậm những vấn đề tiêu cực với mục đích cung cấp thông tin giật gân, câu khách thì càng làm cho xã hội trở nên rối ren, phức tạp hơn. Báo chí có quyền và trách nhiệm đấu tranh với tiêu cực nhưng cần trả lời một cách nghiêm túc các câu hỏi: Báo chí đấu tranh vì mục tiêu tối hậu nào? Đấu tranh vì lợi ích của ai? Đấu tranh như thế nào? Việc trả lời các câu hỏi này sẽ quyết định tính chất kiến tạo, tích cực của báo chí.
Bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Cục có hệ thống đo, quét các thông tin trên mặt báo hàng ngày. Trong đó, hệ thống này có thể đo quét được các thông tin tiêu cực, tích cực được đề cập.
Theo bà Giang, những bài về nội dung tiêu cực hiện nay đang được chia sẻ nhiều nhất, thậm chí những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội cũng được lấy lại từ báo chí.
Đề cập về báo chí kiến tạo, Phó Cục trưởng Mai Hương Giang dẫn chứng ví dụ về việc đưa tin trong đại dịch COVID-19. Theo bà Giang, có ba giai đoạn trong đại dịch mà báo chí đưa tin gồm: Phản ánh về tình hình dịch bệnh; hai là hướng dẫn người dân bảo vệ mình trong đại dịch và khi dịch kiểm soát tốt thì báo chí đề cập đến giải pháp, và ở giai đoạn 3 chính là báo chí kiến tạo.