Phát hiện hóa chất gây ung thư trong quần áo đồng phục của trẻ em

Đặng Thu Hằng
Theo nghiên cứu của Tạp chí Environmental and Science Technology thông báo, hơn 1/3 số quần áo trẻ em tham gia thử nghiệm đều có chứa PFAS - một hóa chất được sử dụng để chống nước và các vết bẩn trên vải dệt.

Cụ thể các hóa chất độc hại PFAS thường được sử dụng trong sản xuất quần áo và hàng dệt may của trẻ em, nhằm chống nước và chống vết bẩn. Song, việc tiếp xúc với các hợp chất này trong quần áo gây ra nguy cơ về các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

PFAS, hay các chất per- và polyfluoroalkyl, là nhóm của khoảng 12.000 hợp chất, được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm quần áo chống nước, vết bẩn và nhiệt. Chúng còn được gọi là “hóa chất vĩnh viễn” bởi không thể tự phân hủy. Các chất này tích tụ trong môi trường và cơ thể con người. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết của PFAS với các căn bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh, bệnh thận, giảm khả năng miễn dịch, các vấn đề sinh sản và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

anh-chup-man-hinh-2022-09-22-luc-164806-1663840108.png

Nhiều quần áo, đồng phục học sinh tại Canada và Mỹ được phát hiện chứa chất gây ung thư. (Ảnh: Guardian).

Cũng theo nghiên cứu của Tạp chí Environmental and Science Technology phát hiện các hóa chất PFAS có trong 65% đồng phục học sinh, áo mưa, áo chống thấm, giày đi tuyết, găng tay, yếm, mũ, vỏ xe đẩy được thử nghiệm. Mức độ này được các tác giả đánh giá là cao.

Theo ông Graham Peaslee, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu của trường Đại học Notre Dame cho biết: "Mọi người đều nghĩ rằng quần áo chống nước và các vết bẩn là một tiến bộ lớn trong nghiên cứu, nhưng nếu các bạn nhỏ phải tiếp xúc với một lượng lớn PFAS thì liệu rằng nó có phải thực sự là một tiến bộ vượt bậc không?".

Loại vải dệt duy nhất mà các nhà nghiên cứu tìm thấy hàm lượng PFAS cao hơn đồng phục học sinh là thiết bị sử dụng để bảo vệ lính cứu hỏa.

Nghiên cứu mới được lấy từ 9 thương hiệu quần áo phổ biến trên thị trường. Các loại đồng phục này làm từ 100% cotton, cotton spandex và cotton polyester. Nhóm tác giả ước tính khoảng 1/4 tổng số trẻ em đi học ở Mỹ mặc đồng phục và nhiều nhất là ở các trường tiểu học tư thục, khu vực có thu nhập thấp.

PFAS có thể được hấp thụ qua da, hít vào khi nó văng ra khỏi quần áo hoặc qua đường tiêu hóa khi trẻ đưa tay có tiếp xúc hóa chất lên miệng. Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Các tác giả của nghiên cứu lưu ý tốt nhất người tiêu dùng nên tránh quần áo có nhãn chứa "chống ố", "chịu được thời tiết" hoặc "không thấm nước". Đồng thời, họ cũng kêu gọi các trường học đặt mua các sản phẩm không chứa PFAS.

Giáo sư Miriam Diamond, đồng tác giả của nghiên cứu, giáo sư Đại học Toronto, Canada, cho biết: “Tôi chưa thấy cha mẹ nào quan trọng việc chống thấm, chồng ố hơn là sức khỏe của con cái. Thử nghiệm này được đưa ra sau khi New York và California sẵn sàng cho lệnh cấm sử dụng PFAS trong hàng dệt may".