Theo đài RT ngày 1/8, thông tin trên do nhà điều hành lưới điện Phần Lan nói với hãng tin YLE. Do Phần Lan dự kiến thiếu nhiên liệu, nên các hộ gia đình cũng sẽ phải giảm mức tiêu thụ.
Theo nhà điều hành lưới điện, khoảng 2.800 cửa hàng thực phẩm ở Phần Lan sẽ cần phải thỏa thuận với nhau về việc ai đóng cửa và ai sẽ tiếp tục mở cửa nếu nguồn điện bị hạn chế ở một khu vực cụ thể. Thỏa thuận này đặc biệt quan trọng ở các vùng nông thôn vì cần đảm bảo rằng tất cả các cửa hàng ở một thị trấn hoặc làng mạc không đóng cửa cùng một lúc.
Phần Lan cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề khi chi phí nhiên liệu và năng lượng tăng trên toàn châu Âu sau lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Vào tháng 5, Phần Lan cùng với Thụy Điển xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đã bị Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt sau khi từ chối thanh toán hàng hóa bằng đồng ruble.
Theo số liệu từ năm 2020, Phần Lan chỉ sử dụng khí đốt để tạo ra khoảng 3,6% điện năng và hầu hết điện năng ở quốc gia Bắc Âu này là từ thủy điện và hạt nhân. Tuy nhiên, cho đến gần đây, Phần Lan chỉ nhập khẩu chưa đầy 1/5 điện năng từ Nga và Estonia. Phần Lan đã tự nguyện bỏ nhập khẩu lượng điện từ Nga vào tháng 4. Nhà cung cấp Nga RAO Nordic đã cắt hoàn toàn điện cung cấp cho Phần Lan do không nhận được thanh toán từ Phần Lan.
Lò phản ứng hạt nhân mới nhất của Phần Lan ban đầu dự kiến mở vào năm 2009 cũng chưa đi vào hoạt động. Lò phản ứng này phải tới tháng 12 mới bắt đầu sản xuất điện và khi đó, dự kiến đáp ứng gần 1/6 nhu cầu của cả nước. Trục trặc thiết bị và các vấn đề kỹ thuật khác đã cản trở dự án hạt nhân này kể từ khi bắt đầu được xây dựng vào năm 2005.
Khi mùa đông lạnh giá ở Phần Lan bắt đầu, chính phủ sẽ kêu gọi các hộ gia đình giảm mức tiêu thụ nhiên liệu từ tháng 8 trở đi, như đã xảy ra ở một số quốc gia châu Âu khác.
Cùng với 26 quốc gia thành viên khác của EU, Phần Lan cũng đã cam kết tự nguyện giảm mức tiêu thụ khí đốt xuống 15% trong mùa đông.
Trước đó, ngày 26/7, các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Trên mạng xã hội Twitter, đại diện Chính phủ Séc, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, viết: "Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi! Các bộ trưởng đã đạt được một thỏa thuận chính trị về cắt giảm nhu cầu khí đốt trước thềm mùa Đông sắp tới".
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Công Thương Séc Jozef Sikela tuyên bố kế hoạch của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu cho thấy các nước EU cần phải đồng ý giảm sử dụng khí đốt của Nga trong mùa Đông này.
Trong khi đó, Đức cũng đang gấp rút tìm kiếm các nguồn thay thế. Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận việc Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga là một sai lầm chiến lược và chính phủ đang nỗ lực khắc phục điều này. Ông nhấn mạnh đây không chỉ là vấn đề của Đức, mà là vấn đề của Trung-Đông Âu và các nước phải cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU. Hồi tháng 6, Moskva đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 40%, với lý do 1 tuabin được sửa chữa ở Canada chưa được đưa trở lại Nga.
Tập đoàn Gazprom ngày 25/7 thông báo tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống này. Cụ thể, kể từ sáng 27/7, công suất qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí/ngày và lý do là tập đoàn phải sửa chữa 1 tuabin khác.