Phân bón giả, kém chất lượng gián tiếp giết hại ngành nông nghiệp

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ở nước ta thời gian gần đây ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho người nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Vấn nạn phân bón giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế trước mắt của nông dân, mà gián tiếp giết hại ngành nông nghiệp...

4-2-1655247333900-1655428636.jpg

Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra, phát hiện và xử phạt một đại lý kinh doanh phân bón giả tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh QUANG THÂN)

Hiện nay, giá phân bón đang tăng cao kỷ lục, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đã tung ra nhiều chiêu thức gian lận tinh vi nhằm thu lợi bất chính.

Mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 15.6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh vừa phối hợp Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra đột xuất một ôtô và kho hàng của Công ty TNHH XNK Thịnh Phát (thôn 8, xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột) do ông H.T.Đ làm giám đốc. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện, ông Đ sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất phân bón rồi giả mạo nguồn gốc, xuất xứ, ghi nơi sản xuất trên bao bì là “made in USA". Doanh nghiệp của ông Đ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, nhưng vẫn đăng ký thành lập công ty (trụ sở chính ở TP.HCM). Ông Đ mua phân bón không rõ nguồn gốc ở các tỉnh ĐBSCL rồi đem về đấu trộn, đóng gói, mang phân phối ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông với số lượng lớn nhưng không khai báo doanh thu lẫn thực hiện nghĩa vụ thuế...

Thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk: Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 23 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã xử lý 21 vụ vi phạm, phạt hành chính với tiền hàng trăm triệu đồng.

Ở Tiền Giang, ngày 16/6, ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, các ngành chức năng vừa phát hiện và tiến hành xác minh xử lý một cơ sở kinh doanh phân bón giả trên địa bàn.Ttheo đó, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra đối với hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp Đinh Văn Chữ, tại ấp Bình Thạnh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy. Qua lấy 2 mẫu phân bón gửi cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm chất lượng, đã phát hiện 1 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng với hàm lượng đồng (Cu) chỉ đạt dưới 40% so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng. Tang vật vi phạm là 73 bao phân bón, loại 25kg/bao, trị giá trên 40 triệu đồng.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho biết, liên quan lĩnh vực phân bón, các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, phân bón không bảo đảm chất lượng, địa bàn có nhiều trường hợp vi phạm là huyện Châu Thành, huyện Tân Phước..

Thực tế, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, sai nguồn gốc xuất xứ.... bị phát hiện xử lý. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan, cùng với hàng trăm đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của người nông dân.

Cần xử lý nghiêm tránh hệ lụy lâu dài

Vấn đề thiệt hại của các nông hộ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp không chỉ là tiền tỉ vì mua "nhầm" hàng giả, hàng nhái, mà phân bón giả còn gây thiệt hại nặng nề cho vùng nông sản của họ cao gấp nhiều lần. Theo các chuyên gia nông nghiệp, người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.

Để giải quyết tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân và ngành nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được ký và có hiệu lực thi hành. Theo nội dung quy chế, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao, do đó các ban, ngành hữu quan cần có chính sách để điều tiết giá phân bón, hỗ trợ người nông dân. Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện phân bón giả. Người dân cũng nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn.

Mai Anh