Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 100.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, ngành địa phương thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 50.000 tỉ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 18.000 tỉ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới 27.000 tỉ đồng. Trong đó, 50.000 tỉ đồng của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đề nghị phân bổ 2.942 tỉ cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện một số nhiệm vụ; 47.057 tỉ cho các địa phương thực hiện các tiểu dự án thành phần thuộc chương trình.18.000 tỉ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững, Chính phủ đề nghị phân bổ 96 tỉ đồng cho Bộ LĐ-TB&XH thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin; 17.904 tỉ đồng cho các địa phương để thực hiện các nội dung của chương trình.27.000 tỉ đồng của chương trình xây dựng nông thôn mới thì phân bổ hết cho các địa phương. Còn lại 5.000 tỉ đồng, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lại cho Chính phủ phân bổ chi tiết.
Trong năm 2022, Chính phủ đề xuất chỉ hân bổ 33.384 tỉ đồng kế hoạch vốn ngân sách trung ương, còn lại 665 tỉ đồng giao Chính phủ quyết định.Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Các Nghị quyết của Quốc hội với 3 chương trình mục tiêu quốc gia được ban hành cách đây 1,5 năm, nhưng tới nay Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành vẫn loay hoay chưa giải ngân được.
“Chính phủ cần có báo cáo đánh giá giải trình nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan việc này. Chậm ở đâu, bộ ngành nào, phải có báo cáo Quốc hội. Bây giờ không nói chung mà phải có địa chỉ”, ông Mẫn nêu.
Ông Mẫn đề nghị, việc phân bổ chi tiết cho các dự án thuộc chương trình phải trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch phân công tổ chức triển khai thật rõ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tuy nhiên đến nay, việc thực hiện phân bổ vốn cho 3 chương trình còn chậm. Đây cũng là lý do mà tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới, UBTV Quốc hội thống nhất trình Quốc hội để xem xét chọn vấn đề thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia để giám sát tối cao trong năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ cần đánh giá phân tích, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chậm trễ; các bộ, ngành, các cấp, các cơ quan quán triệt ý thức, trách nhiệm đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cần đẩy nhanh tiến độ, song cơ quan thẩm tra và Chính phủ rà soát thật kỹ, phải bảo đảm đúng mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn theo Nghị quyết của Quốc hội cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Tại phiên họp, UBTV Quốc hội thống nhất chủ trương phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho giai đoạn 2021 - 2025 và 2022 để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, song đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của UBTV Quốc hội, hoàn thiện phương án phân bổ vốn. Việc phân bổ vốn cần bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, bảo đảm yêu cầu sử dụng vốn, không chồng chéo, trùng lặp; bảo đảm cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên...
UBTV Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan rà soát các dự án để xác định mức vốn phân bổ cho từng bộ, các cơ quan Trung ương, địa phương.
Hạnh Nguyên