Hôm nay (9/3), tại Trung tâm Phát thanh quốc gia (58 Quán Sứ), đại diện Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội làm việc với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc VOV Trần Minh Hùng cho biết, năm 2022, VOV đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin chính xác, toàn diện, kịp thời, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; Tích cực đấu tranh, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi lợi dụng kích động, xuyên tạc, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; Các vấn đề quốc kế dân sinh được xã hội quan tâm, không để xảy ra sai sót về chính trị.
Là một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu của đất nước, VOV đang tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, tổ chức lại quy trình sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, quản trị phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của một cơ quan báo chí hiện đại, đa loại hình, đa nền tảng.
Năm 2022, VOV được vinh danh ở nhiều giải thưởng báo chí lớn trong và ngoài nước, trong đó có 3 giải thưởng ABU; 2 giải A, 2 giải B và 1 giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 16; 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 4 giải Ba và 2 giải Khuyến khích Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 8; 6 Giải báo chí về xây dựng Đảng “Giải Búa liềm Vàng”. Bên cạnh đó, VOV cũng giành nhiều giải thưởng báo chí do các bộ, ngành, địa phương tổ chức.
Về tổ chức cán bộ, năm 2022, số viên chức (không bao gồm số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68) được Bộ Nội vụ giao là 1.647 người, giảm 34 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Số giao không bao gồm Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đơn vị tự chủ hoàn toàn các hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Phó Tổng giám đốc VOV Trần Minh Hùng cũng cho biết, trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất ổn của thế giới nên nguồn thu từ hoạt động tài trợ, quảng cáo của Đài gặp nhiều khó khăn. Sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông số, các mạng xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cạnh tranh, thu hút quảng cáo trên sóng phát thanh, truyền hình.
Hệ thống máy móc, thiết bị và cơ sở vật chất ở nhiều đơn vị thuộc VOV qua quá trình sử dụng lâu năm đã xuống cấp, không đảm bảo được yêu cầu công việc. Nhu cầu kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng, mua mới máy móc thiết bị cho các đơn vị khá lớn.
Về tổ chức biên chế, theo Phó Tổng Giám đốc VOV, hiện Đài đang gặp nhiều khó khăn, theo quy định của Bộ Nội vụ, từ nay đến năm 2025 Đài cần giảm 63 người, trong khi đó, rà soát số đối tượng nghỉ hưu là 43 người, như vậy sẽ tiếp tục phải cắt giảm 20 chỉ tiêu. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của Đài rất lớn, nhưng lại không có cơ chế để tuyển dụng. “Chúng tôi không thể luân chuyển kỹ thuật sang làm biên tập hay ngược lại”, ông Trần Minh Hùng nói.
Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Tài chính sẽ thực hiện cắt giảm 2,5% phần kinh phí NSNN cấp hỗ trợ, như vậy nguồn kinh phí chi hoạt động của Đài sẽ ngày càng sụt giảm, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Phó Tổng giám đốc VOV Trần Minh Hùng cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các quy định bổ sung, sửa đổi về cơ chế tự chủ để phù hợp với đặc thù hoạt động của Đài theo quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hướng dẫn, tạo điều kiện để VOV sớm xây dựng, ban hành hệ thống đơn giá sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử làm cơ sở thực hiện xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên và có kế hoạch phân bổ cũng như cân đối sử dụng thu, chi trong các năm tiếp theo.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đức Thành, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC cũng cho rằng, cơ chế đặt hàng với các cơ quan báo chí cũng còn những vướng mắc nhất định về mặt phương pháp, cách thức. Đây cũng là vấn đề lúng túng cần được tháo gỡ không chỉ với VOV mà với nhiều cơ quan báo chí khác.
“Chúng tôi mong rằng nhà nước sẽ có cơ chế đặt hàng với các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan lớn, chủ lực. Các cơ quan báo chí lớn hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi ngân sách cắt giảm, đời sống nhân viên gặp nhiều khó khăn, việc huy động tài chính từ xã hội hóa cũng gặp không ít khó khăn”, ông Thành cho biết và kiến nghị Quốc hội cùng Chính phủ sớm tháo gỡ những vướng mắc này.
Cơ quan báo chí gặp khó về thể chế chính sách, nguồn lực
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, VOV là 1 trong 4 cơ quan báo chí quan trọng, với bề dày truyền thống 78 năm, có đủ các loại hình báo chí.
“Thời gian qua, VOV đã nỗ lực cao hoàn thành xuất sắc, thông tin nhanh, kịp thời, toàn diện, độ tin cậy rất cao, uy tín lớn với độc giả cả nước. Các chương trình đa dạng, trong đó chính luận vẫn là thế mạnh của VOV, bên cạnh đó, vẫn có nhiều nội dung khác đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khán thính giả”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục cũng nhìn nhận, thời gian qua VOV cũng như các cơ quan báo chí khác đã và đang phải đối mặt khá nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là xu thế chung khi sự cạnh tranh ngày càng lớn, cách làm truyền thông thay đổi, chưa kể những yếu tố khác sẽ tác động trực tiếp đến cơ chế vận hành của cơ quan báo chí. Một trong những khó khăn lớn hiện nay là vướng mắc về thể chế chính sách, nguồn lực… Đây đều là những vấn đề lớn, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, cần nghiên cứu kỹ lưỡng..
“Một số vấn đề khó cần nghiên cứu để có tư duy rõ ràng và cách giải quyết chắc chắn hơn. Trong thời gian tới, với chức trách, nhiệm vụ của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, chúng tôi sẽ phối hợp với VOV trong các vấn đề, đặc biệt là nội dung liên quan đến cơ chế chính sách. Trước tiên là Luật Báo chí, những vấn đề liên quan đến các cơ quan truyền thông lớn thì cần cố gắng giải quyết cho được, xác lập vị thế các cơ quan báo chí chủ lực bằng luật, đi kèm theo đó là chính sách. Hiện nay nhiều khi nói đến đầu tư nhưng khi hỏi anh nào quan trọng hơn thì lại không có căn cứ, khi luật pháp xác định vị thế rõ ràng thì sẽ dễ hơn rất nhiều. Nghị định 60 cũng là văn bản quan trọng liên quan trực tiếp đến VOV và các cơ quan báo chí, tự chủ có rất nhiều vấn đề, không chỉ là biên chế, mà làm sao để trả thù lao cho cộng tác viên… Những vướng mắc về thể chế nhiều khi tạo ra khó khăn trong quá trình hoạt động”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Bên cạnh đó, nhận định kinh tế báo chí có tác động lớn đến các cơ quan báo chí như VOV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục cho biết, quan điểm của Ủy ban khi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông là các cơ quan báo chí cách mạng, thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao thì Nhà nước phải đảm bảo ngân sách để họ thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ngay cả khi các đơn vị có thể tự chủ hoàn toàn, Nhà nước cũng không nên buông mà cần có sự đầu tư nhất định. Với những đơn vị chưa có điều kiện tự chủ, Nhà nước phải đầu tư, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực khi đang làm trách nhiệm quốc gia.
“VOV cùng với VTV, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân là những cơ quan báo chí đặc biệt, làm những trách nhiệm vô cùng quan trọng với quốc gia, việc tạo mọi điều kiện để các cơ quan hoàn thành nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho rằng, một trong những cơ chế cần gỡ vướng cho báo chí hiện nay là việc đặt hàng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có đơn giá hợp lý, tránh trường hợp đơn giá quá thấp, nên dù số tiền đặt hàng lớn, các cơ quan vẫn không thể giải ngân hết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc VOV Đỗ Tiến Sỹ chia sẻ, hiện nay năng lực phát sóng của VOV đã phủ khắp các quần đảo, khe sâu, núi thẳm, biên giới hải đảo cả nước, vươn xa thế giới.
Nói tới VOV, ngày nay không chỉ có phát thanh mà đa phương tiện, các loại hình báo chí, cập nhật những xu hướng truyền thông mới nhất của thế giới. Các sản phẩm phát thanh, truyền hình được thể hiện cả trên báo điện tử và các nền tảng số khác nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khán, thính giả, độc giả cả nước.
Với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực, VOV không chỉ cần đáp ứng nhu cầu thông tin luôn và ngay, mà còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác. Tuy nhiên, hiện nay VOV cũng như các cơ quan báo chí cũng đang đứng trước những thách thức lớn về tinh giản biên chế, dù đã cắt gọt rất nhiều khoản để đầu tư ở mức tối thiểu nhằm tiệm cận với những phương tiện làm báo hiện đại thế giới nhưng vẫn còn là một thách thức lớn.
“Với các cơ quan báo chí chủ lực thực hiện nhiệm vụ cách mạng, không thể quá đặt ra vấn đề lỗ hay lãi về tài chính, nhiệm vụ quan trọng nhất phải là truyền thông nhanh, chính xác, kịp thời và lôi cuốn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chúng tôi cũng đề nghị cần có những cơ chế về đặt hàng, tạo điều kiện tối thiểu để chúng tôi nâng cấp máy móc trang thiết bị cơ bản, nếu thiếu những thiết bị hiện đại, sẽ rất dễ bị tụt hậu", ông Đỗ Tiến Sỹ nói.
Theo VOV