Phải tận dụng “Dữ liệu lớn và vạn vật kết nối” để phát triển

Tạp Chí Nhân Đạo
Ngày 15/5, tại buổi tọa đàm “Dữ liệu lớn và vạn vật kết nối”, Hội Tin học TP.HCM, trường Đại học Hoa Sen và Học viện CNTT quốc tế NIIT đã giúp doanh nghiệp, người tham gia hiểu rõ hơn về Big Data (dữ liệu lớn) và Internet of things (IoT, vạn vật kết nối) để tận dụng cơ hội phát triển theo xu hướng kinh doanh hiện đại.
phai-tan-dung-du-lieu-lon-va-van-vat-ket-noi-de-phat-trien
Ông Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hoa Sen phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM cho biết, hiện nay các doanh nghiêp nhỏ, thậm chí là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp đang tận dụng nguồn Big Data rất nhiều và ứng dụng khá tốt trong phát triển giao thông thông minh… Cụ thể là cảm ứng, cảm biến ở xa lộ và đường hầm. Thậm chí, trong nông nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ứng dụng Big Data và IoT vào hệ thống nhà kín với các trang thiết bị cảm ứng, cảm biến để đóng mở các thiết bị tưới tiêu theo giờ hay phân tích các mẫu phân bón, hóa chất…

“Nhờ tận dụng ứng dụng này trong nông nghiệp mà năng suất đã tăng khá cao”, ông Tuấn nhận định. 

Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hoa Sen, khẳng định: “Thông qua Big Data, chúng ta có thể giải quyết bài toán khó về vấn đề giải cứu nông sản trong thời gian qua. Nếu như các tỉnh có thể nắm số lượng nuôi, trồng là bao nhiêu, xuất ra bao nhiêu ở một thời điểm cụ thì có thể giải quyết vấn đề đó. Tức người dân sẽ cung cấp cho chính phủ số lượng cây trồng, vật nuôi ở mỗi gia đình. Thông qua đó, chính phủ tổng hợp, phân tích dữ liệu để định hướng và giải quyết kịp thời những khó khăn khi nông dân vấp phải.”

Tại cuôc thảo luận, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thời đại thông tin đang bùng nổ, nhu cầu sử dụng lượng dữ liệu lớn ngày càng gia tăng thì việc đưa ứng dụng Big Data và Internet of thing vào trong tất cả các lĩnh vực đời sống là một điều thiết yếu.

Hiện tại, thị trường dữ liệu này đang tăng rất nhanh vì chúng được thu thập bởi hàng tỉ thiết bị động, các thiết bị thu hình, thu thanh với hàng chục triệu người sử dụng kết nối mạng xã hội… Tốc độ tăng trưởng vượt bậc gần 50%/năm. Chỉ trong một vài năm qua, 90% dữ liệu của toàn thế giới hiện nay được tạo ra từ việc kết nối internet. Và dự tính đến năm 2020, đơn vị thông tin lưu trữ sẽ được tính bằng zettabytes tức bằng 1 triệu  petabytes.

Ông Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hoa Sen phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ông Sandeep Agarwal - Phụ trách đào tạo quốc tế của NIIT tại Lagos & Abuja (Nigeria), giới thiệu kinh nghiệm số hóa Ấn Độ (Digital India) mà NIIT tham gia một số dự án.

 

Theo các chuyên gia, việc phân tích tập hợp dữ liệu có thể giúp tìm ra xu hướng kinh doanh hiện tại, phòng chống bệnh tật hay phát triển nông nghiệp…. Các nhà khoa học, doanh nghiệp và chính phủ cũng có thể giải quyết những khó khăn thông qua các tập hợp dữ liệu lớn trong các lĩnh vực bao gồm tìm kiếm internet, thông tin tài chính doanh nghiệp. …

Big Data là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn, với quy mô vượt quá khả năng nắm bắt và xử lí các công cụ phần mềm truyền thống trong khoảng thời gian chấp nhận.

Big Data còn là tập hợp các kỹ thuật và công nghệ đòi hỏi cách tích hợp mới nhằm khám phá những giá trị tiềm ẩn to lớn từ những tập hợp dữ liệu lớn, đa dạng, phức tạp. Internet of things là sự kết nối của phương tiện, thiết bị gia dụng, thiết bị y tế sử dụng điện tử nhúng, vi mạch... để thu nhập và trao đổi dữ liệu qua mạng. Công nghệ này cho phép người dùng điều khiển thiết bị từ xa thông qua mạng.