PGS Nguyễn Lân Hiếu: Việt Nam cần tuyên bố kết thúc đại dịch COVID-19

Đặng Thu Hằng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề nghị, Việt Nam cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19 để hạn chế tốn kém về thuốc, vật tư tiêu hao, chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác.

Sáng 22/10, nêu ý kiến phát biểu tại tổ ở Quốc hội, PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đề nghị Chính phủ tuyên bố chuyển sang giai đoạn chống dịch mới với quy định cụ thể, thay thế các chỉ thị, hướng dẫn trước đây. Việc này nhằm hạn chế tốn kém nguồn lực mà vẫn đảm bảo sẵn sàng nếu COVID-19 bùng phát hoặc dịch bệnh khác xuất hiện.

"Chúng ta cần phải kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác. Trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỉ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 hay các đơn vị điều trị COVID-19 hiện nay ngày càng giảm xuống", ông Hiếu nói.

20220609104534414430-nguyen-lan-hieu-binh-dinh-tranh-luan-16664298857691647187087-1666462845.jpeg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. (Ảnh: VTC News)

Thực tế, Việt Nam đã giảm mức độ phòng chống COVID-19. Nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỷ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19, các đơn vị điều trị COVID-19 ngày càng giảm. "Chúng ta cũng thấy rõ trong hội trường Quốc hội, không ai đeo khẩu trang. Trong khi nếu theo quy định phòng chống đại dịch thì phải đeo", ông nói.

Đồng thời các thuốc, vật tư tiêu hao dự phòng đều có hạn sử dụng, do đó cần ra quyết định để chuyển nguồn sử dụng sang điều trị bệnh lý khác. Bên cạnh đó, các trang thiết bị hiện đại được mua cho chống dịch như máy thở, ECMO, lọc máu, X-quang di động... cần thống kê, phân bố sử dụng để tránh hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu...

"Tôi đi kiểm tra các tỉnh miền núi phía Bắc trong đại dịch thấy đều chưa kịp mua, trong khi phía Nam rất nhiều máy móc được mua, chuyển vào đó. Vì thế phải thống kê lại rồi chia cho các địa phương, các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc", ông Hiếu nêu.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y phân tích, khi chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, bệnh nhân COVID-19 sẽ được khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế như bệnh lý thông thường. Các bệnh viện sẽ chủ động thanh toán, không dùng tiền ngân sách như hiện nay.

Quan điểm xem COVID-19 là bệnh thông thường và thích ứng với thời kỳ hậu COVID-19 được bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nêu từ đầu năm 2022, sau khi Việt Nam phủ đủ hai liều vaccine diện rộng. Ông cho rằng cần xem COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự khi bạn bị bệnh nào thì tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị.

Tháng 6/2022, phát biểu tại Quốc hội, ông Hiếu tiếp tục nêu đề xuất chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh) sang nhóm B (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong).

Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu kinh nghiệm các nước đã xem COVID-19 là bệnh đặc hữu như Thái Lan, để chuyển bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang B, trong đó có COVID-19.

Hiện nay cả nước có tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 261.168.872 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 221.133.411 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.263.473 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.771.988 liều.

T.H.