Peru phải ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia vì căn bệnh thần kinh hiếm gặp

Lã Thị Thúy Hằng
Chính phủ Peru đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 3 tháng do gia tăng số ca mắc rối loạn thần kinh hiếm gặp có tên gọi hội chứng Guillain-Barré.
Chú thích ảnh Bao myelin là một lớp bao quanh các tế bào thần kinh. Ảnh: DW

Hội chứng này ảnh hưởng đến hệ thần kinh của cơ thể người, gây yếu cơ và khó thở, thậm chí còn dẫn đến liệt ở những trường hợp nặng. Vào năm 2019, Peru cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự sau một đợt bùng phát nhiễm khuẩn campylobacter.

Hội chứng Guillain-Barré là gì?

Hội chứng Guillain-Barré là chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch vốn bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và các dị vật khác lại tấn công nhầm các tế bào thần kinh ngoại biên. Cụ thể hơn, bao myelin - lớp chất béo và protein bao quanh các tế bào thần kinh - bị viêm. Bao myelin tạo điều kiện để các tín hiệu đi qua dây thần kinh với tốc độ rất nhanh trong điều kiện bình thường. Nếu bao myelin bị viêm, dây thần kinh khó có thể truyền các kích thích.

Nói cách khác, người mắc hội chứng này sẽ gặp khó khăn trong nói, đi lại, nuốt, bài tiết hay thực hiện các chức năng bình thường khác của cơ thể. Tình trạng có thể ngày càng tồi tệ hơn. Do đó, các dây thần kinh ngoại biên, loại dây thần kinh phân nhánh từ não và tủy sống, sẽ bị tổn thương khiến cơ có thể trở nên yếu hoặc tê liệt. Các triệu chứng đầu tiên bao gồm cảm giác ngứa ran ở ngón tay, ngón chân, mũi; yếu ở chân lan lên phần trên cơ thể; cử động mặt khó khăn, đi không vững hoặc không thể đi lại, đau và trong trường hợp nặng có thể bị liệt.

Nguyên nhân gây ra hội chứng

Nguyên nhân chính xác của hội chứng Guillan-Barré vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, nó thường phát triển ngay sau khi một người mắc bệnh truyền nhiễm. Hội chứng Guillan-Barré (GBS), cũng có liên quan đến virus cytomegalo, virus Epstein Barr, virus Zika và thậm chí cả COVID-19.

Tại sao điều này xảy ra? Các nhà khoa học nói rằng hệ thống miễn dịch của chúng ta rất chuyên biệt để nhận ra các yếu tố lạ như virus, vi khuẩn và nấm. Nó tạo kháng thể để liên kết với cấu trúc bề mặt của mầm bệnh đồng thời hình thành phản ứng miễn dịch chống lại chúng.

Đối với những bệnh tự miễn dịch như Hội chứng Guillan-Barré, “kẻ xâm lược” tự ngụy trang bằng một bề mặt bắt chước cấu trúc của chính cơ thể. "Ví dụ, cấu trúc bề mặt của vi khuẩn Campylobacter trông rất giống với bao myelin", nhà miễn dịch học Julian Zimmermann giải thích với kênh DW (Đức).

Có chữa được hội chứng Guillan-Barré?

Chú thích ảnh Peru từng ghi nhận bùng phát hội chứng Guillain-Barré với trên 650 trường hợp trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2019. Ảnh: AP

Tình trạng của bệnh nhân có xu hướng xấu đi trong 2 tuần sau khi phát bệnh. Vào tuần thứ tư, các triệu chứng ổn định, sau đó quá trình phục hồi bắt đầu. Quá trình phục hồi có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng và đôi khi lên đến 3 năm. Hiện tại, không có cách chữa trị đặc thù cho hội chứng Guillain-Barré. Tình trạng tê liệt không chỉ ảnh hưởng đến chân, tay mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận quan trọng của hệ thần kinh vốn điều hòa nhịp thở, huyết áp và nhịp tim.

Để ngăn điều này xảy ra, các bác sĩ liên tục theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và trong trường hợp khẩn cấp, họ sẽ được thở máy. Ngoài ra còn có hai phương pháp điều trị có thể giúp phục hồi và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đầu tiên là thay huyết tương. Phương pháp này nhằm mục đích loại bỏ các kháng thể đang tấn công dây thần kinh ngoại biên. Phương pháp thứ hai là tiêm kháng thể khỏe mạnh từ những người hiến máu vào tĩnh mạch. Ngoài ra, vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích trong việc giảm đau.

Lý do bùng phát tại Peru

Kể từ tháng 6 đến nay, Peru đã ghi nhận 182 ca mắc hội chứng Guillan-Barré, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Peru cũng đang phải vật lộn với đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi nhận vào năm nay.

Sự gia tăng các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré sau làn sóng nhiễm virus Zika cũng được ghi nhận ở French Polynesia trong giai đoạn 2012-2014.