Ông Trần Thanh Lâm: Củng cố niềm tin của người dân để lan tỏa và phát huy các giá trị nhân đạo trong thời kỳ mới

Nguyễn Hồng Hạnh
Việc phát triển các hoạt động nhân đạo, lá lành đùm lá rách vừa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, thời gian qua, việc triển khai các công tác nhân đạo trong cả nước đã có nhiều thành tựu to lớn, kịp thời hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng khó khăn, chính sách. Để đạt được những thành tựu đó, vai trò của công tác tuyên giáo đặc biệt quan trọng, góp phần tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa các giá trị nhân đạo sâu rộng tới quần chúng nhân dân.

Trong số báo đặc biệt hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027, Tạp chí Nhân đạo đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về các vấn đề đang được quan tâm xung quanh việc phát triển công tác nhân đạo trong thời gian tới.

ong-lam-ban-tg-1661344809.jpg
Ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Thưa ông, trong nhiều năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thường xuyên có sự phối hợp, tổ chức và lan tỏa các hoạt động nhân đạo trong cả nước. Ông đánh giá thế nào về vai trò, ý nghĩa của sự phối hợp này?

Ông Trần Thanh Lâm: Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lúc sinh thời rất quan tâm đến hoạt động nhân đạo. Người đã sáng lập và là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đầu tiên. Người căn dặn: “phải xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được giảm bớt đau thương cho họ”. Hơn 75 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để thực hiện tốt lời căn dặn của Người. Đóng góp vào những thành quả của công tác nhân đạo có vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền.

Trên thực tế, việc tuyên truyền, phổ biến công tác nhân đạo là một trong những nhiệm vụ, hoạt động được quan tâm, coi trọng của ngành tuyên giáo, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng là góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có sự phối hợp thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, giúp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác nhân đạo đến với nhân dân, trong đó có thể kể đến một số văn bản lớn của Đảng, Nhà nước như Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới… Gần đây nhất, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đưa ra nhiều nội dung liên quan đến công tác nhân đạo cũng như việc bảo vệ quyền con người, trong đó xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, nhất là những đối tượng các nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân...”.

Từ những chủ trương, chính sách này, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ nhằm đánh giá, tôn vinh, làm lan tỏa những kết quả đạt được trong công tác nhân đạo cũng như thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để khắc phục; kịp thời nắm bắt các vấn đề xã hội để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các nội dung về chủ trương, đường lối, từ đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động nhân đạo.

Có thể nói, công tác tuyên giáo và công tác nhân đạo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng hướng tới một mục tiêu chung là làm sao có thể hỗ trợ, giúp đỡ được nhanh nhất, đúng nhất, kịp thời và nhiều nhất cho những đối tượng yếu thế, cần giúp đỡ trong xã hội, làm lan tỏa các giá trị tốt đẹp của hoạt động này trong xã hội, từ đó, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đất nước, vì mục tiêu tối thượng là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Tiêu biểu nhất, có thể kể đến giai đoạn vô cùng khó khăn khi đất nước đối mặt với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm quyền tối thượng là quyền được sống của người dân; đồng thời thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương. Những thành tựu này đã được thể hiện đầy đủ, toàn diện, đậm nét trên các phương tiện truyền thông đại chúng, là minh chứng rõ nét nhất thể hiện những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong công tác nhân đạo.

Có ý kiến cho rằng, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đôi với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội hiện nay thì điều kiện để phát triển các hoạt động nhân đạo, trợ giúp cho các đối tượng khó khăn, cần giúp đỡ sẽ ngày càng tốt hơn. Ông nhận định sao về điều này? Chúng ta cần làm gì để có thể lan tỏa nhiều hơn, huy động mạnh mẽ hơn sự chung tay góp sức của người dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… đối với các hoạt động nhân đạo trong thời gian tới?

Ông Trần Thanh Lâm: Chúng ta đang ở trong một giai đoạn phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo cho công tác nhân đạo và tạo mọi điều kiện để các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mọi người dân tham gia vào công tác nhân đạo. Bằng chứng là các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động nhân đạo, từ thiện đã được thể chế hóa; công tác nhân đạo, từ thiện được tạo điều kiện mọi mặt; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về nhân đạo thường xuyên được triển khai; đời sống người dân ngày càng được bảo đảm; công tác ủng hộ, chăm lo giúp đỡ cho người nghèo, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, gia đình chính sách và nhân dân các vùng bị thiên tai, thảm họa… ngày càng được quan tâm thực hiện hiệu quả, kịp thời. Công tác tuyên truyền, việc thiết lập quan hệ với các tổ chức nhân đạo, tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng ngày càng sâu sắc hơn, mở rộng cả về lượng và chất… từ đó chúng ta có cơ hội tiếp cận với nhiều hơn các nguồn viện trợ, hỗ trợ nhân đạo từ bên ngoài. Ban Tuyên giáo Trung ương kỳ vọng và tin tưởng rằng, với điều kiện và thực tế phát triển đất nước hiện nay, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, công tác nhân đạo sẽ còn nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển hơn nữa; những người yếu thế, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những số phận không may mắn trong xã hội sẽ có thêm nhiều cơ hội để được giúp đỡ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận, đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Đó là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… khiến cho đời sống của nhiều người dân trở nên khó khăn, bấp bênh, cần được hỗ trợ nhiều hơn, kịp thời và bền vững hơn, công tác nhân đạo cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cá nhân, tập thể, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước… Chúng ta cần có những phương pháp tổ chức hoạt động một cách chuyên nghiệp, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả để củng cố niềm tin của người dân. Và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với vai trò là cơ quan nòng cốt trong việc dẫn dắt công tác nhân đạo cả nước, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên, có kinh nghiệm, tâm huyết, để tiếp tục triển khai được nhiều hoạt động ý nghĩa, có đóng góp cho xã hội; mạnh dạn tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước các cơ chế, chính sách nhằm động viên, tạo điều kiện cho mọi đơn vị, doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động này. Về phía Ban Tuyên giáo Trung ương, công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về hoạt động nhân đạo, làm lan tỏa những hành động đẹp trong xã hội sẽ tiếp tục được quan tâm để ngày càng kêu gọi được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động ý nghĩa này.

Ông có thể chia sẻ với độc giả Tạp chí Nhân đạo, làm thế nào để việc tuyên truyền, lan tỏa các giá trị nhân đạo trong thời gian tới được hiệu quả hơn?

Ông Trần Thanh Lâm: Nhân đạo, sẻ chia, tương thân, tương ái là một trong những giá trị văn hóa, đạo lý truyền thống của con người Việt Nam, thấm sâu trong các gia đình, dòng họ, xóm làng, cộng đồng xã hội từ thế hệ này đến thế hệ khác. Để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp đó, công tác thông tin, tuyên truyền cần được coi trọng, phát huy.

Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí thông tin, tuyên truyền, làm lan tỏa những điều tốt đẹp, các giá trị nhân đạo trong đời sống; ghi nhận, động viên, khích lệ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, có đóng góp tích cực trong hoạt động nhân đạo; phát đi những thông điệp ý nghĩa để công tác nhân đạo được thực hiện kịp thời, bền vững hơn; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong triển khai thực hiện công tác nhân đạo để cơ quan ban ngành và nhân dân cùng giám sát…

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cần chủ động trong cung cấp thông tin cho các ban, bộ, ngành liên quan để những thông tin, thông điệp cần thiết được kịp thời phát đi, để toàn xã hội cùng biết, cùng chung tay kịp thời hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tôi tin rằng tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “thương người như thể thương thân” sẽ luôn là sức mạnh to lớn để đất nước ta, dân tộc ta vượt qua khó khăn, hoạn nạn, thiên tai; ngày càng phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Huệ