Ông là một trong hai thầy thuốc đại diện cho Việt Nam được chọn đi trình diễn kỹ thuật điều trị tại “Hội nghị Y học cổ truyền, Y học dân gian các nước lưu vực sông Mekong mở rộng lần thứ 9” năm 2019 do Việt Nam đăng cai. Người kia là một thầy thuốc ở Bắc Giang trình diễn “Kỹ thuật vỗ lưng chữa xương khớp”. Còn ông trình diễn “Kỹ thuật bó gãy xương và đẩy thuốc bằng nhiệt chữa bệnh xương khớp” được các thầy thuốc trong nước và quốc tế đánh giá cao, cổ vũ, hoan nghênh. Ông là thầy thuốc Nguyễn Đức Nam - chủ trị Nam Dược Đường ờ đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Câu chuyện thứ nhất tôi xin hầu bạn đọc, mà người viết bài này đã thực chứng: Chả là “Bẩy ngày ba bão” là câu chuyện của ông nhà văn Nguyễn Văn Thọ - tác giả của tiểu thuyết Quyên nổi tiếng đã chuyển thành phim truyện nhựa. Trước Tết con Chuột, ông chơi cưa máy, bị xén mất 3 ngón tay. Con Vàng nhà ông lao đến công mất. Dù đau đớn, ông cũng có đuổi theo giành được 3 ngón tay của mình. Ông kêu ông họa sĩ cùng ngõ đưa đến bệnh viện cấp cứu. Lúc bác sĩ dờ tới tay thì mới nhớ bỏ quên ở xưởng cưa. Ông họa sĩ quay xe về nhà tìm, ghé tủ bán nước mía bên đường mua túi nước đá.
Ơn giời! Ba ngón tay đã nhợt không bị con vàng công mất lần nữa vì nó bị lẫn vào mùn cưa. Và điều quan trọng là dù nó lẫn với mùn cưa và bé bét bét máu đông, nhưng vẫn còn thời gian vàng để các bác sĩ... ghép thành công. Ra viện, nhưng ba ngón tay ghép cử động khó khăn, và ngả màu xám ngoách. Cũng may, nữ nhà thơ “Sữa Đá” Đỗ Thị Tấc đến thăm bạn văn. Tấc phát hoảng kêu: “Anh đi... đi ngay với em”.
Thế là đi đến chỗ ông thầy thuốc tên Nam. Ông thầy đem thuốc dân tộc thiểu số gia truyền ra đắp vào. Ba ngày sau, hết đau. Ông Thọ lại được “đẩy nhiệt dẫn thuốc” cộng với nỗ lực của nhà văn chiến trận từng ra sống vào chết và kết quả: Từ bàn tay thâm đen trở thành bàn tay hồng hào.
Cũng ông nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tháng 6 vừa rồi, ông nằm trên ghế dài ngoài sân đọc sách, bị hoa phượng rơi xuống... gãy xương sườn. Nghe cứ như là giai thoại nốt.
Theo như tôi biết là ông Thọ lĩnh tiền nhuận bút toàn 2.000 ngàn đồng gói lại vuông thành sắc cạnh như quả bộc phá đánh đồn giặc. Chán với đồng tiền lẻ, bèn bỏ trên nóc tủ, chả thèm vất và cũng chẳng kịp tiêu, nhưng lại có chút sung sướng, nằm ườn ra nhìn thành quả lao động nhà văn, “mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đang định bụng in thêm mấy quyển nữa, và đòi nhuận bút bằng chuyển vào tài khoản, chứ không thể đem xe Honda thồ tiền mệnh giá bé, thì bỗng nhiên con mèo lùa con chuột, phóng đúng vào cục tiền đang để chênh vênh một nửa nóc tủ, một nửa bên ngoài. Cục tiền mới cáu cạnh giáng xuống làm ông gãy... một xương sườn.
Đau quá, nhưng vẫn kịp bấm điện thoại kêu ông bác sĩ ở cùng khu. “Tiền rơi gãy sườn tôi rồi. Ông đến cứu tôi với”.
Ông bác sĩ nghe cầu cứu, nghĩ ông nhà văn già hay đùa, tiền nào mà rơi gãy xương sườn được? Tắt luôn điện thoại, và ông cũng không đến cứu người bị nạn.
Ông nhà văn Nguyễn Văn Thọ khốn khổ, đau đớn lê ra đầu ngõ, thì gặp hai ông Tây ba lô bụi. Ông bảo: Tao bị tai nạn sắp chết rồi. Chúng mày cứu tao?
Hai Tây vội vã đưa nhà văn đến bệnh viện. Chuyện này nghe cũng cứ như giai thoại. Nhưng ông Thọ bị tai nạn thì thật trăm phần trăm, và ông được các bác sĩ chuẩn đoán: “Gãy xương sườn số 4. Tràn khí màng phổi...”. May cấp cứu , điều trị kịp thời. Cơn hiểm nguy đã qua. Tuy nhiên,phải cố định, nằm bất động một chỗ ít nhất là 1 tháng. Ông đau đớn không chịu nổi. Ông bảo con gái gọi cho thầy Nam. Thầy Nam gọi tôi. Gần 10h đêm chúng tôi có mặt.
Bằng một liều thuốc bó xương gia truyền của người dân tộc thiểu số; sáng hôm sau thấy ông Thọ gọi điện nheo nhéo, bảo chỗ xương bị gãy chỉ còn hơi đau. Ăn cơm bình thường. Nói năng như hùng biện trên bãi biển với sóng dồn sóng dập. Tôi hỏi: Bác đã bảo con gái cất “gói bộc phá” tiền nhuận bút chưa, chứ không lại rơi bẹp ngón chân cái. Ông Thọ cười toe toét như hoa rau muống nở, kể sang chuyện khác: tay bác sĩ kia, ân hận đến tận nhà, đem theo cả phong bì tiền nữa... thăm. Nhưng ông nhã nhặn chối từ cái sự hối hận muộn màng của người ta
Chuyện nữa: Thằng cháu ở quê gọi tôi là cậu. Gọi là cháu, nhưng ông giời con này cũng đã 60 tuổi. Suốt ngày uống rượu. Đêm đi nhậu về bị tai nạn. Nó bảo tôi: Rõ ràng là cháu nhìn thấy đôi cột điện trước mặt. Cháu đã lao xe vào giữa khe trống 2 cột điện mà đầu xe máy vẫn nát bét.
Hoá ra, say rượu một cột đèn nó nhoè mờ thành hai. Người nhà đưa thằng cháu tôi đi đến bệnh viện. Chụp X-quang thì đầu gối - xương bánh chè bị... nứt, vỡ. Đau đớn vô cùng. Nó cứ nốc rượu ồng ộc để quên đau. Bệnh viện cho thuốc, nẹp cố định, bảo phải bất động. Sau 1 tháng đến tháo nẹp.
1 tháng nằm bất động, không quay chậu cảnh bán được thì chết đói. Tôi lại nhờ thầy Nam. Thầy và bạn thầy lại đi 110 cây số về tận Tam Điệp quê tôi... bó thuốc. Đưa luôn 1 chai thuốc cho cháu tôi để xoa bóp nữa. Ba ngày sau, nó tập tễnh đi. Ngày thứ 4, nó tự tháo nẹp của bệnh viện... đi nhoay nhoáy, đạp chậu cảnh ù ù. Đúng là thần y! Nhưng khỏi càng nhanh, nó lại càng nhanh uống rượu. Tôi cười cười bảo vợ nó: Biết thế không bó thuốc thầy Nam,cứ để nẹp bệnh viện cố định cả tháng cho nó chừa rượu.
Thêm câu chuyện nữa: Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên vốn là trưởng khoa Ngôn ngữ, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, bị ngã ngồi trong nhà tắm, lúc đó 89 tuổi, người cụ nhỏ bé gầy yếu chỉ còn 38kg. Con là chị Nguyễn Phương Anh -giảng viên Đại học, chuyên ngành Dược đưa bố đi cấp cứu ở bệnh viện. Cụ được chụp X Quang và chẩn đoán bị rạn cổ xương đùi. Bác sĩ chỉ định nẹp bất động mất 6 tuần.
Con gái cụ nói: “... Chỉ khẽ cựa là cụ đã đau điếng người, cụ ngồi lên nằm xuống là có sự hỗ trợ của người khác và rất nhức buốt, rất khó khăn”. Con gái cụ lo lắng lắm vì người già khó liền xương. Qua nhà thơ Thy Nhưng cùng đoàn thiện nguyện Ánh Trăng với thầy Nam, con gái cụ chỉ còn biết cầu khẩn. Thầy Nam đến, bó thuốc, và cho thuốc xoa bóp vùng chấn thương, chỉ sau 2 ngày đêm thì đỡ thuốc. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên đứng lên và tập đi. Chỉ 15 ngày sau thì đi lại bình thường. Đúng là... thần y!
Bài thuốc “Bó gãy xương bằng thuốc dân tộc”, thầy Nam học từ một bà ké người Tày oắt vùng hồ Thác Bà - Yên Bái gồm 13 vị thuốc. 11 vị thuốc thì có thể lấy được ở các vùng khác, nhưng còn 2 vị chỉ có ở rừng vùng hồ Thác Bà. Chuyện có hồng phúc được truyền nghề bài thuốc này cũng hấp dẫn hồi hộp như bài thuốc “Đẩy nhiệt dẫn thuốc”, thầy Nam học được từ ông thầy Campuchia. Ly kì lắm! Tôi xin hầu bạn đọc vào dịp khác. Cả ngàn ca gãy xương được thầy Nam bó lá, đẩy nhiệt dẫn thuốc điều trị thành công với thời gian rất ngắn, có thể gọi là giải phiền hà, khó khăn khi Tây y chỉ định bất động dài ngày. Bệnh nhân gọi ông Nguyễn Đức Nam là lương y. Thân mật thì gọi là... thầy Nam. Ai bị gãy chân tay, gãy xương sườn, gọi điện là thầy đến “rón tay làm phúc” mà chẳng nề hà xa xôi, hay khó khăn; cũng có người bị gãy xương thì họ đưa thẳng đến Nam Dược Đường của thầy.
Ông cụ thân sinh thầy Nam là một đại tá, Trung đoàn trưởng trung đoàn đặc công nước miền Trung. Nói đến đặc công nước đánh tàu thuyền Mỹ thì tôi quá khâm phục, kính nể, huống hồ cụ còn là Trung đoàn trưởng thì... không phải dạng vừa đâu. Đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”.
Tác giả: Nhà văn Sương Nguyệt Minh