Tôi đặt bút viết về Trung tâm bảo trợ xã hội Từ Tâm Nhân Ái khi chuyến đi đã diễn ra sắp một năm tròn.
Trung tâm bảo trợ xã hội này được xây dựng từ năm 2005 thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Hiện tại, mái ấm đang cưu mang 140 người, bao gồm trẻ em, người già, người khuyết tật, người cơ nhỡ, vô gia cư…
Những người được cưu mang ở đâu một phần được chủ trung tâm tìm thấy, người được người khác dẫn tới, người được giới thiệu thông qua trạm xá, bệnh viện…
Trong trí nhớ của tôi, mái ấm Từ Tâm Nhân Ái vào ngày 25 Tết vừa qua rất đông người đến thăm. Chị quản lý bảo rằng, không phải ngày nào cũng thế, thi thoảng vào cuối năm, nhà thiện nguyện đến nhiều, “nhà” mới vui thế này. Tôi ngờ ngợ cách chị gọi nơi đây là “nhà”.
Quả thật, nếu không có tấm biển cũ ghi rõ đây là khu bảo trợ xã hội thì hẳn ai cũng nghĩ là nhà. Từ Tâm Nhân Ái bình dị và tựa như những căn hộ cấp 4 xung quanh đó. Sau này mới biết, ông chủ trung tâm đã cố ý xây như thế để tạo không khí gia đình, với những căn phòng vây tròn xoay mặt vào nhau, phía sau là hàng rau, hàng cây ăn quả, phía trước là luống hoa với mấy chú mèo con quấn quýt chạy quanh.
Nhưng việc một trung tâm xây dựng theo mô hình “gia đình” không đủ để người ta gọi là “nhà”, vì chữ “nhà” đâu chỉ là vì hình thức, ấy còn là vì tinh thần nữa.
Người được nhắc đến nhiều nhất và được xem như linh hồn của mái ấm này cũng chính là chủ trung tâm - ông Nguyễn Minh Mẫn, năm nay 73 tuổi.
Trước ông là chiến binh, không lập gia đình. Sau chiến tranh về đến mảnh đất này thì thấy xung quanh mình nhiều người bất hạnh, vô gia cư, bệnh tật, neo đơn quá, ông Mẫn quyết định gây dựng một mái ấm và đặt tên Từ Tâm Nhân Ái.
Hơn 13 năm gắn bó, thứ gợi về ông không chỉ là tấm bằng khen đóng khung treo trên tường, ông hiện hữu thấp thoáng đâu đó ở rất nhiều điều nhỏ nhặt trong mái ấm này, trong cái luống hoa ông trồng trước ngõ, trong đống củi ông bổ dọc phơi nắng đầy sân và cả trên môi những thành viên khi nhắc đến.
Và có lẽ rõ ràng nhất qua chiếc xe ba gác cũ trước nhà.
Hai bánh xe dính đầy bùn đất, yên xe bóng lên vì vết ngồi và vết mồ hôi. Trên xe có treo thêm một đôi ủng nâu đã lem nhem vết rách, một chiếc lưỡi hái, một chiếc rựa và một sợi dây ràng.
Ông Mẫn hay ngồi trên chiếc xe ấy, đến bưu điện thồ gạo của nhà hảo tâm gửi về. Mỗi buổi chiều, lại là ông, một mình vòng vòng đến đồng cắt cỏ cho heo, cho bò. Bữa thì chạy đến mấy vườn cây lớn chặt củi khô xin về nấu bếp, bữa thì đến rẫy cuốc đất trồng rau, để mâm cơm chiều, căn bếp Từ Tâm Nhân Ái có thêm tô canh rau thơm ngát.
Người dân xứ này quen thuộc với dáng hình của một ông già lưng còng, đội nón lá, thồ xe qua ngõ trong nhập nhoạng nắng chiều. Nhà có bó rau, bó củi, bó rơm, nhiều người hễ thấy ông chạy ngang thì gọi với theo, chất thêm thứ này thứ kia lên phía sau xe. Người ta thương ông nên ít nhiều gì cũng cho, ông thì không bao giờ chê những điều như thế.
Trung tâm hàng trăm người, toàn phụ nữ có thai, trẻ em, người già, người bệnh tật. Chiếc xe nhỏ xíu nhưng chở đủ thứ trên đời, có khi là một người bất ngờ lên cơn bệnh mà xe cấp cứu vẫn còn tít nơi xa, đôi khi là một cô gái trẻ chuyển dạ giữa đêm mà không thể tìm đâu ra bà mụ. Chiếc xe tròng trành, cũ mèm nhưng từng chở đi chở về bao nhiêu sự hồi sinh trên ấy, lạ thường!
Nghe đến chức quản lý trung tâm gần trăm rưỡi người, hẳn ai cũng nghĩ ông Mẫn ăn to nói lớn, đĩnh đạc hay có uy thế lãnh đạo lắm, mà không. Ông không cho đi với tư cách là một kẻ ban ơn, không nhìn từ trên xuống với vị trí người làm việc lớn, ông cho đi bằng sự thành tâm, với niềm trân trọng từ những điều nhỏ nhất.
Mấy đứa bé thì kể rằng, hôm qua mới được “ông nội” cho kẹo, được ông nội khen khi được điểm cao. Ông thích đặt cho mấy đứa nhỏ cái tên Rau Dền, Củ Cải và ít khi lớn tiếng, cũng không cho ai dùng roi đòn với “đám cháu”, kể cả là mẹ bé hay không.
Mấy cô gái trẻ khác thì chép miệng, sáng nào “Bác Ba” cũng dậy sớm, mới 4 giờ đã nghe tiếng nhóm lửa nấu cám heo. Lâu lâu địa phương thông báo mai cúp điện, ông còn dậy sớm hơn, mới 3 giờ đã lủi thủi dậy bật nước, hứng đầy lu, bồn chứa.
Có mấy cụ già ngồi nhìn xa xăm, bảo đêm nào cũng nghe tiếng bước chân “anh Ba” đi dọc hành lang. Ông Mẫn luôn là người thức khuya nhất, khi mọi người say giấc thì ông mới cầm gậy, lò dò đi xem đèn đã tắt hết chưa, mùng màn từng giường liệu còn chỗ nào chưa ém kỹ.
Ngoài nguồn tài trợ từ cộng đồng, ông Mẫn luôn tìm cách để những người ở đây có thể tự nuôi nhau, người trẻ nuôi người già, người khỏe chăm người bệnh. Ông tận dụng mảnh đất sau nhà cuốc đất trồng rau, xây thêm chuồng bò chuồng heo để tăng gia sản xuất. Người ở đây học được từ ông nhiều, nhất là ở việc luôn cố gắng tự lập trong khả năng của bản thân mình, dù yếu thế cũng không là gánh nặng quá nhiều cho người khác.
Hôm ấy, tôi được dịp trò chuyện với cô Quỳnh. Một trong số ít những người còn sức lao động ở đây, người có thể đỡ đần phụ ông Mẫn một bên vai để lo toan cho bao nhiêu người còn lại.
Ngày xưa cô lạc loài đến Bình Dương, không thân không thích. Ông Mẫn đón cô về sum vầy với những người đồng cảnh ngộ. Cô ở một thời gian thì sức khỏe dần bình phục, cô xin ông ra khỏi nơi này để kiếm tiền. Ông Mẫn gật đầu tiễn đi, không rầy rà. Vài năm đầu cô làm được, có chút vốn liếng dằn túi, nhưng tới năm kia tự nhiên đau bệnh, người thuê công thấy không được việc thì ngưng.
Cô sống lay lắt với số tiền dành dụm nhiều năm trước, đến khi cạn sức cạn tiền thì không có chốn về, cô trở lại và mái nhà này lại dang tay đón cô lần nữa. Cô lau nước mắt nói mình ân hận, với chừng ấy ân tình, sau này cô nguyện gắn bó với Từ Tâm Nhân Ái đến cuối đời. Dù có nơi nào tốt hơn cũng không bao giờ ra đi lần nữa.
Bằng cách nào đấy, ông Mẫn đã gắn kết những con người bất hạnh lại với nhau để tạo thành một vòng tròn hạnh phúc. Sợi dây cơm áo, gạo tiền lỏng lẻo và dễ đứt, chỉ có những nối kết từ trái tim mới khiến người ta hạnh phúc và thành tâm ở lại một cách tự nguyện thế này.
Cô về đây lúc ông Mẫn hãy còn trung niên, giờ thấm thoắt thời gian trôi đã hóa thành ông cụ lưng còng. Tuổi già và bệnh tật không bỏ sót ai, kể cả những người tử tế. Ông Mẫn mắc căn bệnh tim nhiều năm nay, nhưng không nhiều người biết.
Có mấy đêm, ông té ngã trong lúc lò dò mang gậy đi đóng cửa tém màn, cô Quỳnh ngó thấy thì đỡ dậy dùm, nếu một mình thì ông nén đau tự đứng lên. Có những ngày ông rời trung tâm theo những chuyến đi xa, ít người biết rằng trái tim rệu rã của ông đang cần tái khám. Cũng không nhiều người được kể về những hộp thuốc ông hay cất đầu giường, mỗi ngày uống chục viên để cầm chừng cho tuổi 80 quá luống.
Ông dặn cô Quỳnh đừng nói với ai, việc nói ra không khiến bệnh tình thuyên giảm, chỉ khiến cho những người hằng ngày nhìn thấy ông cảm thấy chạnh lòng.
Tối ấy tôi gọi cho ông, gọi với tư cách một tình nguyện viên gửi lời cảm ơn để đoàn thiện nguyện có một ngày ý nghĩa như thế. Cuộc điện thoại 3 tiếng đồng hồ trong chuyến xe vội vàng ra Vũng Tàu, tôi tưởng mình sẽ lại khóc bởi câu chuyện về bao mảnh đời bất hạnh, nhưng ngộ thay, lại cười.
Vì ông lão hiền lành ấy không kể chuyện buồn, ông thích nói chuyện vui hơn. Ông kể về chú Tiến, người sa vào cờ bạc nên phá sản, đã nhiều lần tự hành hạ bản thân, cố tìm cái chết. Ông Mẫn đã bịa ra câu chuyện ngày xưa mình cũng thế, khuyên nhủ nhiều lần, chú Tiến xuôi lòng, giờ lại đem sức lực đàn ông ngày ngày trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cho bao nhiêu người khác.
Rồi ông Mẫn kể về câu chuyện đầy duyên nợ của Rau Dền, thằng bé được mẹ sinh ra vì lỡ làng, mẹ bé bỏ đi biệt xứ vì gia đình nội không nhìn mặt. Vài năm sau ba bé hối hận đến tận nơi tìm, giờ 3 người đã trở về quê thành gia đình hạnh phúc.
Cuộc gọi 3 giờ đồng hồ với ông lão gần 80 tuổi kết thúc, tôi vẫn nhớ về nó như là cuộc trò chuyện thú vị nhất của tuổi 20.
Tôi nhận được nhiều cảm hứng từ con người lạc quan ấy, không có gì gọi là dấu chấm hết hoàn toàn, chỉ là sao dấu chấm ấy, người ta chọn ngừng lại hẳn hay viết tiếp theo cách nào mà thôi...