Ông Kim Jong Un đi bộ qua biên giới cho thượng đỉnh lịch sử

Tạp Chí Nhân Đạo
Sáng 27/4, ông Kim Jong Un đã rời Bình Nhưỡng để đến cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae In ở Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên đặt chân qua biên giới.

Đúng 9h30 giờ Seoul (7h30 giờ HN), ông Kim Jong Un đã bước bước đi lịch sử, đi qua đường phân giới ở khu phi quân sự DMZ giữa hai miền để tiến tới gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. 

Ông là lãnh đạo Triều Tiên trong suốt gần 70 năm qua đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc cho cuộc gặp lịch sử.

Trước khi rời đi ông Kim cam kết "trao đổi cởi mở với ông Moon Jae In mọi vấn đề nảy sinh để thúc đẩy quan hệ liên Triều; đạt được hòa bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Triều Tiên". 

Kim Jong Un đi bộ qua biên giới cho thượng đỉnh lịch sử
Đoàn xe chở Tổng thống Moon Jae In tiến về khu phi quân sự DMZ sáng 27/4 cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử. Ảnh: Reuters.

Lần thứ 2 của ông Moon

Cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sau hai hội nghị vào các năm 2000 và 2007 là sự kiện lịch sử khi nó có thể dẫn đến thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn giữa hai bên - vốn về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ 1953. Năm 2007, ông Moon cũng có mặt tại thượng đỉnh liên Triều với tư cách là Chánh văn phòng Tổng thống của ông Roh Moo Hyun. 

Ông Moon cảm thấy rõ áp lực khi cả thế giới đều theo dõi cuộc gặp lịch sử này của ông. Ngay sau cuộc gặp, ông sẽ có cuộc điện đàm để thông báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump về kết quả cuộc gặp. Ông Trump dự kiến có cuộc gặp với Kim Jong Un vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 này. 

Ông Kim Jong Un là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Bình Nhưỡng băng qua vĩ tuyến 38 kể từ khi các bên ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1953 trong Chiến tranh Triều Tiên.

Kim Jong Un đi bộ qua biên giới cho thượng đỉnh lịch sử
Tổng thống Moon Jae In vẫy tay chào từ chuyến xe di chuyển đến Panmunjom (Bàn Môn Điếm), nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Ảnh: Reuters.

Những chi tiết biểu tượng

Từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc gặp thượng đỉnh đều đã được tính toán từ bước đi, cái bắt tay và các vật trưng bày. Thành phần dự mỗi bên sẽ là 1+6+6. Ghế 2 trưởng đoàn to hơn ghế đoàn viên, trên đỉnh lưng ghế có khắc hình Bán đảo Triều Tiên.

Bàn đàm phán rộng 2018 mm tượng trưng cho sự kiện được tổ chức năm 2018, chiếc bàn có hình chiếc cầu được nối từ 2 mố cầu, ý nói sự hàn gắn. Trong phòng có bức tranh lớn hình núi Kumgang, biểu tượng của hợp tác hai miền về du lịch.

Lễ đón sẽ được hai miền truyền hình trực tiếp. Khoảnh khắc lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên bước chân qua vạch sơn chia đôi giới tuyến để sang lãnh thổ Hàn Quốc sẽ là giây phút lịch sử.

Kim Jong Un đi bộ qua biên giới cho thượng đỉnh lịch sử
Hai nhà lãnh đạo lần đầu bắt tay trước cuộc họp thượng đỉnh. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo tiến sĩ Peter Hayes, giám đốc Viện An ninh và Bền vững Nautilus, Australia, Bình Nhưỡng mong muốn thông qua cuộc thượng đỉnh này để được các nước trên thế giới gỡ bỏ cấm vận, có được những viện trợ kinh tế thực chất, đồng thời thiết lập quan hệ bình đẳng, cân xứng với các  chaebol (tập đoàn lớn) Hàn Quốc để khai thác tài nguyên, xóa bỏ các thiết chế lỗi thời và thúc đẩy thế hệ lãnh đạo trẻ cởi mở.

Mặt khác, Hàn Quốc muốn tránh chiến tranh cũng như việc Triều Tiên sụp đổ, bởi cả hai đều gây ra tổn thất to lớn cho nền kinh tế và nền dân chủ Hàn Quốc.

Seoul muốn tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ để cân bằng với các nước lớn khác trong khu vực, đồng thời muốn duy trì sự ổn định để tập trung cho chương trình cải cách trong nước, giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng, tham nhũng và thay đổi thế hệ.

Kim Jong Un đi bộ qua biên giới cho thượng đỉnh lịch sử
Tổng thống Moon Jae In đã đến Panmunjong (Bàn môn Điếm). Ảnh: Reuters.
Kim Jong Un đi bộ qua biên giới cho thượng đỉnh lịch sử
Tháng 10/2007, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun (trái) bắt tay Chủ tịch Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng trong thượng đỉnh liên Triều lần 2. Ảnh: Reuters.
Kim Jong Un đi bộ qua biên giới cho thượng đỉnh lịch sử
Tháng 6/2000, ông Kim Dae Jung (trái) là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên hội kiến một lãnh đạo Triều Tiên, khi đó là ông Kim Jong Il. Ảnh: AP.