Ông Huy Nhật của chuỗi Món Huế là ai?

Tạp Chí Nhân Đạo
Từng sinh sống tại Mỹ, năm 30 tuổi, ông Huy Nhật đầu tư về Việt Nam mở chuỗi nhà hàng ẩm thực và đã huy động hơn 70 triệu USD từ các quỹ. Ông đang bị các nhà đầu tư kiện.

Bất ngờ đóng cửa chuỗi nhà hàng với 9 thương hiệu vào hơn 200 điểm bán, ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Huy Viet Nam Group Limited, đang bị các nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Ông Huy Nhật liên quan những công ty nào?

Công ty Huy Viet Nam Group Limited là pháp nhân có trụ sở đăng ký ở Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribe, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland). 

Đây là một trong ba công ty chính trong hệ sinh thái doanh nghiệp do ông Huy Nhật sáng lập cùng với Huy Viet Nam (Hong Kong) Limited và Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam. Nhiệm vụ chính của 3 doanh nghiệp này là đầu tư tài chính vào các pháp nhân sở hữu trực tiếp chuỗi cửa hàng ẩm thực tại thị trường Việt Nam.

Trong đó, Huy Viet Nam (Hong Kong) sở hữu 100% vốn tại Công ty Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam và gần 36% vốn tại pháp nhân sở hữu trực tiếp chuỗi nhà hàng Món Huế là Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế.

Huy Viet Nam Group Limited sở hữu hơn 61% vốn tại Món Huế. Cả Huy Viet Nam Group và Huy Viet Nam (Hong Kong) là hai pháp nhân do ông Huy Nhật sáng lập để nhận vốn đầu tư từ các quỹ ngoại. Trong đó, nhóm nhà đầu tư đang khởi kiện doanh nhân Huy Nhật là những nhà đầu tư chính góp vốn vào Huy Viet Nam Group.

Ông Huy Nhật của chuỗi Món Huế là ai?
Một nhà hàng Món Huế trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), đồ đạc đã được dọn đi từ đầu tháng 10. Ảnh: Việt Hùng.

Nhóm nhà đầu tư bao gồm  ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital. Từ năm 2013 đến nay, các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế này đã rót hơn 70 triệu USD vào công ty của ông Huy Nhật.

Cũng theo thông tin từ nhóm nhà đầu tư này, Huy Viet Nam Group hiện sở hữu các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea. 

Trong khi đó, trước tháng 10 năm nay, ông Nhật là người nắm giữ vị trí Tổng giám đốc, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam. Trong khi đó, ông này vẫn là Chủ tịch của Huy Viet Nam Limited Group.

Doanh nhân sinh năm 1974 chịu trách nhiệm chính về quản lý tổng thể doanh nghiệp, điều hành việc mở các nhà hàng mới, phát triển kinh doanh và marketing. Ông được giới thiệu có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực ở Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam.

13 tuổi đi Mỹ, 30 tuổi về Việt Nam mở chuỗi ẩm thực

Hơn 10 năm trước, tại thời điểm mở chuỗi Món Huế, ông Huy Nhật cho biết, năm 13 tuổi ông đã theo gia đình sang Mỹ định cư và có bằng MBA ngành marketing tại đây.

Tuy nhiên, ông thừa nhận kinh doanh nhà hàng là con đường duy nhất ông chọn, bởi ngoài đam mê ẩm thực thì đây là ngành có nhiều tiềm năng phát triển nhất.

Ông Huy Nhật của chuỗi Món Huế là ai?
Ông Huy Nhật, nhà sáng lập Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam. Ảnh: Huy Vietnam.

Sau khi ra trường, ông Nhật làm việc ở một vài công ty của Mỹ với chức vụ quản lý và trưởng bộ phận kinh doanh. Ông cho biết ở Mỹ sự đóng góp của mình sẽ không đáng kể, trong khi nếu mang kiến thức về Việt Nam sẽ giúp ích được nhiều cho đất nước. "Tôi thường nói với bạn bè, muốn kiếm tiền thì ở Mỹ, còn muốn phấn đấu khẳng định mình thì về Việt Nam", ông nói với Zing.vn năm 2013.

Tuy nhiên, mở nhà hàng ở Việt Nam không nằm trong kế hoạch ban đầu của ông.

Theo đó, khi còn làm cho công ty Mỹ, ông thường xuyên đi công tác ở Trung Quốc. Đây cũng là nơi đầu tiên vị doanh nhân sinh năm 1974 mở nhà hàng Việt Nam khi mới 26 tuổi.

Năm 2004, khi đã phát triển được một chuỗi nhà hàng Việt tại Thượng Hải, ông Nhật trở về nước đầu tư. Khởi đầu tại Việt Nam của vị doanh nhân này cũng là nhà hàng ẩm thực Trung Quốc.

Đến năm 2007, lần đầu tiên ông Huy Nhật mở nhà hàng Món Huế tại TP.HCM. Trước thời điểm đóng cửa hàng loạt, chuỗi Món Huế đã có 77 nhà hàng tại nhiều thành phố lớn.

Ông Huy Nhật của chuỗi Món Huế là ai?

Cùng trong hệ thống Huy Việt Nam còn có 8 thương hiệu khác với hơn 200 cơ sở. Theo các nhà đầu tư của Huy Viet Nam Limited Group, vào thời kỳ đỉnh cao, công ty đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên trên toàn quốc và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày.

Thời điểm bất ngờ đóng cửa hàng loạt nhà hàng, theo các nhà đầu tư, hơn 1.500 nhân viên người Việt của doanh nghiệp này mất việc. Quyết định đóng cửa này "chưa có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư, và cũng không có lý do thương mại rõ rệt".

Cùng với các nhà đầu tư, nạn nhân của các hoạt động có yếu tố lừa đảo này gồm cả nhân viên, nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh.

Nhận 70 triệu USD đầu tư, kinh doanh thua lỗ, bị tố đạo nhái

Với các chuỗi ẩm thực thuộc Huy Việt Nam, ông Nhật từng huy động hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Cuối năm 2015, Finance Asia cho biết, Huy Việt Nam có ý định niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong với tham vọng huy động 100 triệu USD để mở rộng chuỗi.

Cũng theo hãng này, tính đến 4/2015, công ty của ông Huy Nhật đã huy động được 65 triệu USD sau 3 vòng gọi vốn, vòng gần nhất là số tiền chủ yếu từ quỹ Templeton Asset Management. Một số quỹ khác đang nắm cổ phần của Huy Việt Nam là Fortress Capital, AIF Capital, New Asia Partners và Welkin Capital.

Còn theo nhóm nhà đầu tư đang tố ông Huy Nhật chiếm dụng tiền mặt và tài sản công ty, từ năm 2013 đến nay, các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã rót hơn 70 triệu USD vào công ty của vị doanh nhân này. Bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.

Được rót vốn số tiền khổng lồ, Huy Việt Nam đã mở rộng chuỗi với tốc độ chóng mặt. Trong khi 6 năm hoạt động đầu tiên, chuỗi Món Huế chỉ có 9 cửa hàng, thì trong 4 năm tiếp theo, từ 2013 đến 2017, số cửa hàng thuộc hệ thống này gấp hơn 6 lần, lên 60 cửa hàng. 

Cùng thời điểm, hệ thống này cho ra mắt 2 thương hiệu mới là Cơm Thố Cháy và Phở Ông Hùng vào tháng 9/2014. Các năm tiếp theo, mỗi năm hệ thống này có thêm 1-2 thương hiệu mới: Mì Quảng Bếp Tâm (2015), Great Bánh mì và Cà phê (2016), Iki Sushi (2017), TP Tea (2018) và Shilla Korean BBQ Grill (2019).

Ba năm gần nhất, doanh thu của Món Huế được báo cáo duy trì mức 200 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp xuống dốc nhanh. Từ chỗ có lãi năm 2016, trong 2 năm 2017 và 2018, mỗi năm Món Huế lỗ hơn 50 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế của Món Huế tới cuối năm 2018 là trên 100 tỷ đồng. Cùng thời điểm cuối năm 2018, nợ phải trả của Món Huế là 841 tỷ đồng.

Cùng với quá trình tăng tốc, doanh nghiệp cũng bị dính lùm xùm khi bị tố đạo nhái chuỗi Phở Hùng (thuộc sở hữu của Công ty TNHH dịch vụ thương mại Phở Hùng) tại TP.HCM.

Theo chủ sở hữu Phở Hùng, chuỗi được thành lập từ năm 2006 và chỉ kinh doanh với mô hình gia đình, không mở chi nhánh, hiện tại có 2 mặt bằng tại quận 1 và quận 10, TP.HCM.

“Hiện nay do có nhiều quán phở mang tên Hùng rải rác khắp nơi trong thành phố, để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng, Phở Hùng được cấp chứng nhận bản quyền theo quyết định số 8948/QD-SHTT ngày 16/07/2007. Phở Hùng giả có tên Phở Ông Hùng, Phở Hùng Rạch Giá”, thông báo của chuỗi Phở Hùng đưa ra.

Theo Zing