Ở Việt Nam, vấn đề đạo đức, pháp lý trong ứng dụng AI rất cấp thiết

Đặng Thu Hằng
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, hiện nay ở Việt Nam, làm rõ vấn đề đạo đức và pháp lý trong ứng dụng AI còn quan trọng hơn là nghiên cứu phát triển AI.

Chiều nay 5.4, Bộ KH-CN tổ chức họp báo thường kỳ quý 1. Khi trả lời câu hỏi liên quan về kết quả triển khai chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, theo quan điểm cá nhân của ông, ở Việt Nam hiện nay, làm rõ vấn đề về đạo đức và pháp lý trong ứng dụng AI là cấp thiết hơn cả.

Ở Việt Nam, vấn đề đạo đức, pháp lý trong ứng dụng AI rất cấp thiết - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, hiện nay ở Việt Nam, làm rõ vấn đề đạo đức và pháp lý trong ứng dụng AI còn quan trọng hơn là nghiên cứu phát triển AI

MAI HÀ

Ứng dụng AI một cách có trách nhiệm

Theo ông Duy, năm nay, ngành KH-CN sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó tập trung nhấn mạnh vào việc thúc đẩy sự hiểu biết về ứng dụng AI để nhận biết đâu là các thách thức hàng đầu. Đặc biệt, một chủ đề sẽ được tập trung thảo luận là tìm hiểu các vấn đề về pháp lý và đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

"Theo đánh giá của cá nhân tôi, hiện nay vấn đề đạo đức và pháp lý trong ứng dụng AI còn quan trọng hơn là vấn đề nghiên cứu phát triển AI ở Việt Nam", Thứ trưởng Duy chia sẻ.

Ông Duy nhận định, các sản phẩm AI đã có trên thế giới đưa vào ứng dụng ở Việt Nam hiện nay nhanh và nhiều. Trong khi đó, hành lang pháp lý để theo kịp sự phát triển của KH-CN đang bị chậm. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là bài toán có tính toàn cầu. Vì thế, trên thế giới hiện nay đã xuất hiện một dòng nghiên cứu lớn về vấn đề ứng dụng AI một cách có trách nhiệm.

"Ví dụ, ChatGPT là một hệ thống công nghệ dùng thuật toán để tổng hợp thông tin và tri thức. Nếu trong một câu trả lời, ChatGPT đưa thông tin sai (từ những vấn đề nhỏ của cá nhân, đến các vấn đề lớn liên quan tới sức khỏe con người, lịch sử của quốc gia…), và người dùng chịu tổn thất từ việc trả lời này, thì trách nhiệm pháp lý thuộc về ai", ông Duy đặt câu hỏi.

Một vấn đề khác, là vấn đề bảo vệ quyền cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân, phải được đặt ra. Chẳng hạn, khi các doanh nghiệp thu thập dữ liệu lớn và họ kết nối dữ liệu với nhau, thì trong dòng chảy dữ liệu đó vô tình có thông tin riêng tư của các cá nhân, việc bảo vệ thông tin cá nhân sẽ được xử lý thế nào? Chẳng hạn, ai đó dùng một phần mềm sức khỏe, đo các chỉ số cơ thể khi người đó hoạt động thể thao. Phần mềm này được kết nối với Facebook, với mục đích ban đầu là cung cấp dữ liệu để tư vấn dịch vụ cho người dùng. Vậy làm thế nào để thông tin cá nhân của người dùng phần mềm đó được an toàn?

Vì nhận thức được quy cơ này nên vừa rồi Quốc hội cũng đã thông qua để cho phép Chính phủ ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cần phải "đứng trên mặt đất" để xác định hiện trạng

Ông Duy cũng cho rằng, chiến lược phát triển AI mà Chính phủ ban hành hồi tháng 1.2021 đến nay mới được hơn 2 năm, vì thế đừng mong chờ phải có ngay những sản phẩm AI. KH-CN là con đường dài, kể cả nghiên cứu có kết quả rồi mà muốn có sản phẩm của doanh nghiệp còn mất 10, 15, 20 năm.

Hơn nữa, khi triển khai chiến lược, chúng ta cần nhìn vào thực tiễn và đứng ở trên mặt đất để xác định hiện trạng. Mặc dù chúng ta lúc nào cũng có "nhiều tiềm năng, lợi thế", nhưng trên thực tiễn là số lượng chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, tính đến năm 2021 (lúc ban hành chiến lược) thì không nhiều.

Chúng ta cũng không có hạ tầng tính toán siêu máy tính lớn như nhiều quốc gia khác. Cũng không có các doanh nghiệp trong top đầu hoạt động liên quan tới lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo. Chỉ số đổi mới toàn cầu của chúng ta khoảng hơn 40, có khoảng cách phía sau rất xa những nước dẫn đầu và khoảng cách này sẽ ngày càng lớn.

"Khi người ta có nguồn lực đã được tích lũy hàng trăm năm nay, giờ lại tập trung đầu tư với mục tiêu cạnh tranh, thì họ sẽ bứt lên và tạo khoảng cách rất lớn với các nước đằng sau. Trong 3 tháng gần đây, chúng ta mới chỉ nhìn thấy sự nổi lên của ChatGPT và một loạt sản phẩm dựa trên Open AI. Đó mới là những sản phẩm có tính chất ra mắt đại chúng. Còn tôi dự đoán thế giới có những sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện, chưa công bố, thì khi công bố sẽ còn tạo tiếng vang lớn, tạo ra ảnh hưởng lớn với toàn thế giới", ông Duy chia sẻ.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp hiệu quả

Theo ông Duy, giới KH-CN đều nhận thức đúng hiện trạng nền KH-CN của ta hiện nay. Đến thời điểm này, chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu lớn sẵn sàng phát triển cho ứng dụng AI. Phải nhận thức rõ được vạch xuất phát của mình thì mới xác định được những việc quan trọng phải làm trước.

Trong thời gian qua, việc quan trọng nhất chúng ta đã làm được là thúc đẩy thay đổi nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội với AI. Các sự kiện do Bộ KH-CN chủ trì cũng như các bộ, ngành khác như Bộ TT-TT, Bộ KH-ĐT, rồi các trường đại học, các cơ quan truyền thông… đã tạo được sự thay đổi rất lớn.

Kết quả đầu tiên của sự thay đổi đó là sự đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho AI phát triển vượt bậc trong 2 năm vừa qua. Nhiều chuyên ngành mới được mở ra, chương trình đào tạo - giáo trình được cập nhật. Ngành AI tạo được sự hấp dẫn đặc biệt với phụ huynh, học sinh khi mà điểm đầu vào tuyển sinh tăng vọt. Nếu giai đoạn trước đây, điểm chuẩn trường y hay ngoại thương là "đỉnh", thì nay nhóm ngành về AI của Đại học Bách khoa Hà Nội đã soán ngôi. Các chương trình đào tạo ngắn hạn đào tạo của các tập đoàn, các công ty… mở ra liên tục.

"Chúng ta là nước có đông dân số, nên có tiềm năng là thị trường lớn và nguồn nhân lực lớn. Với khởi điểm thấp như của chúng ta, việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực là một giải pháp hiệu quả", Thứ trưởng Duy nói.