Theo báo cáo sơ bộ, một số các hộ gia đình tại Ba Lan đã bắt đầu chuyển đổi sang lắp đặt các pin năng lượng mặt trời để chuẩn bị cho mùa đông đang tới gần, tuy nhiên chi phí cao đã khiến cho nhiều hộ gia đình khó có thể tiếp cận phương án này để vượt qua khỏi mùa đông năm nay. Bên cạnh đó, theo ước tính của cơ quan chức năng, trung bình có tới 37% các hộ gia đình ở Ba Lan sử dụng than để sưởi ấm.
Mặc dù, Ba Lan là nhà sản xuất than lớn nhất trong Liên minh châu Âu, nhưng nước này vẫn phải nhập khẩu nhiên liệu để đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Theo số liệu thống kê vào năm 2020, Nga chiếm tới 75% lượng nhập khẩu than của Ba Lan, khi đó đạt tổng cộng 12,9 triệu tấn. Tuy nhiên, kể từ khi Ba Lan áp đặt lệnh cấm vận đối với than của Nga vào tháng 4 năm 2022, trước thời điểm lệnh cấm trên toàn EU có hiệu lực vào tháng 8, việc nhập khẩu nguyên liệu này đã tạm thời bị dừng lại khiến cho nhiều người Ba Lan rơi vào tình trạng khó khăn.
Cựu Thứ trưởng Môi trường của Ba Lan cho biết đang có nhiều cuộc thảo luận diễn ra và các chuyên gia bày tỏ quan ngại vì tình trạng nhiều hộ gia đình không có than để sưởi ấm vào mùa Đông này. Mặt khác, việc nhập khẩu và thay thế nguồn cung cấp than này từ các nước khác sẽ là một thách thức lớn đối với Ba Lan. Tình trạng khan hiếm than cùng với các tác động của lạm phát đã góp phần khiến giá than tăng chóng mặt, gấp 5 lần so với trước đây. Ngoài việc gây ra gánh nặng tài chính to lớn cho các hộ gia đình và nền kinh tế, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay nếu còn kéo dài còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe.
Chất lượng không khí của Ba Lan hiện là một trong những vấn đề đáng lo ngại ở châu Âu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hơn một nửa trong số 50 thành phố ô nhiễm nhất ở Liên minh châu Âu (EU) là ở Ba Lan. Hơn nữa, trong một báo cáo của Cơ quan Môi trường Châu Âu cũng cho biết số ca tử vong sớm liên quan đến khói bụi mỗi năm ở Ba Lan là 47.000 trường hợp.
Cơ quan chức năng cảnh báo hơn 50% lượng ô nhiễm dạng hạt ở Ba Lan đến từ các bếp sử dụng nhiên liệu rắn. Trong số khoảng 3 triệu nồi hơi lỗi thời được sử dụng ở Ba Lan, chỉ 70.000 chiếc đã được thay thế bằng các giải pháp thay thế khác và hiệu quả hơn trong hai năm qua.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Khí hậu và Năng lượng Ba Lan Edward Siarka cho biết người dân nước này được phép nhặt củi làm nhiên liệu. Những người muốn khai thác củi trước hết phải qua đào tạo và được đơn vị quản lý rừng địa phương cho phép. Người dân cũng chỉ được phép nhặt cành cây rụng, không được phép cưa cây.
“Mọi người chỉ được nhặt cành vụn. Cành cây không được dày hơn 7cm”, Marek Mroz - lãnh đạo Cục Lâm nghiệp thành phố Katowice cho biết.
Ông Mroz giải thích rằng số củi thu được phải nộp cho đơn vị quản lý rừng ở địa phương để xuất hóa đơn. Những người nhặt củi sẽ phải trả từ 7 đến 30 zloty (khoảng 7 đô la) cho 0,25 mét khối củi.
Chính phủ Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki từng nhiều lần đổ lỗi cho xung đột Ukraine làm giá năng lượng tăng vọt. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng xung đột chỉ là một phần vì giá năng lượng đã tăng suốt trong 7 năm qua.
Lạm phát ở Ba Lan đã tăng lên 14% trong những tuần gần đây, khi giá nhiên liệu chạm mốc 8 zloty (1,87 đô la)/lít.