Ấn tượng đầu tiên là đầu cô luôn quấn một chiếc khăn. Ai không hiểu thì tưởng đó là một kiểu thời trang, nhưng ẩn sau chiếc khăn đó là cả một câu chuyện dài về sự nỗ lực, kiên trì và tình yêu đối với nghề gieo con chữ.
Cô Thái sinh ra ở một huyện nghèo của tỉnh Yên Bái. Khi còn nhỏ, mỗi ngày cô phải vượt qua 4 quả đồi để đến trường. Hoàn cảnh khó khăn không thể dập tắt ý chí ham học của “cô học sinh nhỏ” Nghĩa Thái. Ngày vượt hàng chục cây số đường núi, đêm đêm thắp đèn dầu lấy ánh sáng để học, cuối cùng, cô Thái cũng đã thi đỗ vào khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một trong những ngôi trường danh giá hàng đầu cả nước.
Cô Thái chia sẻ, cô muốn trở thành giáo viên, để đem gieo con chữ cho nhiều em học sinh nghèo vùng cao như cô, để các em có thể mở mang kiến thức, để không phải đem theo những “lời ru buồn”, trở thành vợ thành mẹ khi tuổi đời còn quá nhỏ.
Đúng như ước mơ của mình, cô giáo Thái sau khi ra trường đã trở về công tác tại quê hương. Làm giáo viên dạy văn, cô tiếp tục đem tình yêu văn chương tiếp lửa cho biết bao thế hệ sinh viên. Đến năm 25 tuổi, cô đã có bằng Thạc sĩ. Nhiều năm liền, cô Thái được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái.
Năm 2015, khi đang quen với môi trường công tác, do hoàn cảnh gia đình, cô Thái phải chuyển công tác về Trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, làm giáo viên dạy môn lịch sử. Đất khách quê người, phải làm quen với môi trường mới, phải ở nhà thuê… nhưng đó chỉ là bắt đầu cho chuỗi những khó khăn tiếp theo mà cô phải đối mặt.
Năm 2017, trong một lần khám sức khỏe định kỳ, cô Thái bất ngờ khi được các bác sĩ thông báo cô bị ung thư vú. Tiếp sau đó là những chuỗi ngày đằng đẵng khi hết hóa trị lại xạ trị. Chưa dừng lại ở đó, năm 2019, cô Thái thấy thường xuyên xuất hiện những cơn đau âm ỉ vùng bụng. Cô đi khám và phát hiện bị ung thư cổ tử cung, phải cắt bỏ tử cung.
Bệnh tật dường như vẫn chưa buông tha cô Thái. Khi vẫn đang chiến đấu với ung thư, cô lại thấy thị lực ngày càng giảm, chủ quan cho rằng mắt mờ là do tuổi tác, chỉ đến khi bị lệch hẳn một bên mặt, cô mới đi khám và phát hiện mình bị u não vào năm 2021. Theo chỉ định của bác sĩ, cô Thái phải mổ não để lấy khối u ra và tiến hành nuôi cấy xương sọ não. Đến tháng 5/2022, cô mới tiến hành ghép xương sọ não thành công.
Những biến cố dồn dập tưởng như đã nhấn chìm người phụ nữ nhỏ bé. Song vượt lên tất cả, đến giờ này, cô Thái vẫn đứng trên bục giảng để dạy dỗ các học sinh thân yêu.
Vì xạ trị, mái tóc dài đen bóng của cô bị rụng hết. Không biết bao lần, đang giảng bài, cơn đau ập đến, cô Thái phải xin học sinh dừng lại vài phút, uống thuốc giảm đau rồi tiếp tục bài giảng.
Khi được hỏi sao cô không nghỉ ngơi thêm cho sức khỏe bình phục hẳn, cô chỉ bảo vì cô nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học sinh. Lớp học đối với cô là nhà, còn các em học sinh như những đứa con, đứa cháu của cô. Không được nghe tiếng cười nói của học sinh, cô còn thấy trong người mệt mỏi hơn.
Để dạy tốt môn lịch sử, cô luôn tìm cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu nhất. Cô tìm kiếm hình ảnh, đoạn phim về các sự kiện lịch sử giúp học sinh tiếp cận dễ dàng nhất. Có khi cô phân công chính các bạn học sinh đóng vai các nhân vật lịch sử… để khiến cho học sinh của mình dễ hiểu hơn. Hay khi học về Nho giáo, vận dụng kiến thức văn học của mình, cô lấy ca dao, tục ngữ dạy cho học sinh hiểu thêm về tam tòng tứ đức, tam cương, ngũ thường. Nhờ thế, những thứ tưởng chừng như khô khan, giáo điều đã đi vào tâm trí của các em học sinh một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.
25 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Đoàn Thị Nghĩa Thái đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn, tỉnh Đoàn Yên Bái, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Yên Bái cũng như thành phố Hà Nội. Kể cả từ khi mắc bệnh hiểm nghèo, cô vẫn cố gắng cống hiến hết mình. Nhiều năm liền, cô đã đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp quận, do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân trao tặng.
Chính nhờ sự lạc quan, yêu đời mà cô Thái đang từng ngày đối mặt và chiến thắng bệnh tật và tiếp tục gieo "hạt nắng tâm hồn" mình đến với bao thế hệ học sinh.
Theo VOV