Nữ dân quân hai giỏi

Tạp Chí Nhân Đạo
Nhớ lời Bác dạy: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu...”, trong quá trình công tác, nữ dân quân Hà Thị Nu (xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Không chỉ nhiệt tình với công tác xã hội, chị còn là người vợ, người mẹ đảm đang và là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Tận tụy, trách nhiệm với công việc
Năm 2006, khi vừa tròn 22 tuổi, Hà Thị Nu đã xung phong tham gia lực lượng dân quân, đồng thời được giao nhiệm vụ công tác hội phụ nữ của xã. Vừa đi học đại học tại chức, vừa chăm con nhỏ, chị vẫn hăng hái tham gia các nhiệm vụ huấn luyện, luyện tập, diễn tập, phối hợp tuần tra bảo vệ rừng và các mục tiêu quan trọng khác trên địa bàn xã, những công việc vốn không hề dễ dàng đối với nữ giới.
Tuy vậy, vượt lên những khó khăn, chị đã cùng với các anh, chị em tiểu đội dân quân Bản Lằn, xã Mường Do thực hiện tốt các chương trình huấn luyện hàng năm, nhất là các đợt luyện tập, diễn tập chiến đấu phòng thủ, diễn tập phòng, chống cháy rừng, phòng, chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn; Phối hợp tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, luôn được chỉ huy và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.


Chị Hà Thị Nu (ngoài cùng bên trái) giới thiệu các sản phẩm của Hợp tác xã Chè San Tuyết Mường Do
Đặc biệt, vừa tham gia dân quân, vừa tham gia công tác hội phụ nữ, chị đã chủ động đề xuất với Ban Chỉ huy và Đảng ủy xã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành nghiêm đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của bản, của xã. Từ đó, tạo nên sự đồng thuận, quyết tâm cao của bà con nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bà con đã chăm chỉ làm ăn, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu như: Phá rừng làm nương, tham gia truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do không theo quy hoạch... Thanh niên địa phương hăng hái xung phong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm nào xã Mường Do cũng hoàn thành và vượt chỉ tiêu tuyển quân được giao.
Vực dậy vùng chè cổ thụ Mường Do
Trước đây, giống như nhiều hộ gia đình khác ở vùng quê nghèo Mường Do, nhiều năm liền gia đình chị sống trong cảnh khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi...
Chị Nu kể: “Trong quá trình đi học tại chức, được nghe nhiều câu chuyện về các mô hình, tấm gương làm giàu từ nông nghiệp ở khắp các miền quê, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: Tại sao mình mãi cứ quẩn quanh với cái nghèo, cái khổ thế?”
Tháng 4 năm 2013, sau khi tốt nghiệp, chị và chồng đã bàn bạc cách làm kinh tế và đi tìm hiểu nhiều mô hình làm giàu ở các địa phương. Nhận thấy quê mình có lợi thế về sản xuất đặc sản chè San Tuyết, vợ chồng chị mạnh dạn nhận hợp đồng thầu nương chè San Tuyết của bản với diện tích khoảng 2ha để sản xuất.
Sau khi có đất, lại được lợi thế về cây chè đã có sẵn, chỉ việc chăm sóc, thu hoạch, những tưởng là sẽ thành công đổi đời ngay để thoát nghèo, nhưng bao khó khăn lại phát sinh khiến hai vợ chồng chị lao đao. Vụ đầu tiên, do không được cắt tỉa và chăm sóc đúng cách, cây chè bị mối ăn, sâu bệnh đục giữa thân cây. Gia đình chị tìm mọi cách chữa trị nhưng không phù hợp, cây cứ khô héo và lụi dần.
Không bỏ cuộc, vợ chồng chị tìm đến sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ nông nghiệp huyện. Sau khi chị sử dụng chế phẩm sinh học đúng cách, khoảng nửa năm sau, những cây chè bị bệnh lại dần hồi sinh, phát triển. Tuy nhiên, thời điểm ban đầu, sản phẩm chè chưa có thương hiệu nên khách hàng rất dè dặt trong tiếp nhận. Cả năm, gia đình chị chỉ tiêu thụ được khoảng hơn 400kg chè, thu nhập khoảng gần 150 triệu đồng, chỉ vừa đủ để trả tiền lãi vay của ngân hàng.
 “Thấy việc làm chè San Tuyết khó quá, cũng có người ý kiến: Thôi thì chặt chè đi mà làm nương ngô cho được tiền nhiều hơn. Nhưng hai vợ chồng vẫn động viên nhau, tiếp tục vay thêm vốn quyết tâm với việc sản xuất chè San Tuyết”, chị Nu cho biết.
Đất không phụ công người, nhờ cố gắng, kiên trì giới thiệu sản phẩm, lại được các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên giúp đỡ trong quảng bá sản phẩm, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và sản xuất, nên việc sản xuất và tiêu thụ chè của gia đình chị Nu ngày được nâng lên. Đến đầu năm 2015, gia đình chị đã tiêu thụ được hết số chè tồn kho với giá cao, giúp trang trải phần lớn nợ nần.
Phát huy kết quả đó, đến cuối năm 2015, chị đầu tư mở rộng diện tích trồng chè lên hơn 7ha, sản lượng chè búp tươi của gia đình đạt 3,5 tấn/năm. Giá chè búp tươi tăng gấp đôi, giá chè thương phẩm tăng 80% so với năm 2014. Sau khi trừ các chi phí, lãi thu về bình quân khoảng 70 triệu đồng/năm. Sản phẩm chè được nhiều khách hàng ưa chuộng và có đầu ra ổn định.

Các thành viên của Hợp tác xã Chè San Tuyết Mường Do đang sơ chế chè
Để phát huy lợi thế, nhân lực của địa phương và giúp bà con đỡ khó khăn, chị đã vận động các hộ gia đình ở hai bản bên cạnh liên kết duy trì, mở rộng diện tích chè. Sản lượng chè được tiêu thụ tăng lên hàng năm. Đã có 15 hộ liên kết cùng gia đình chị làm chè San Tuyết.
Hiện nay, các chị đã thành lập Hợp tác xã Chè San Tuyết Mường Do. Chị Nu chia sẻ: “Đây là sự cổ vũ và động lực rất lớn, để tôi tiếp tục cùng các thành viên trong hợp tác xã cùng nhau phấn đấu xây dựng thương hiệu chè thương phẩm của Mường Do, tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, năm 2016, chị vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang tỉnh Sơn La giai đoạn 2013 - 2018; Năm 2017, 2018 được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phù Yên tặng giấy khen trong phong trào thi đua yêu nước và giấy khen trong thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương.
Phương Thanh