Nông dân Việt rớt nước mắt trên mỏ 'vàng đen' số 1 thế giới

Tạp Chí Nhân Đạo
Chiếm tới 60% lượng hồ tiêu xuất khẩu trên toàn thế giới, song gần đây người nông dân trồng tiêu vẫn rớt nước mắt khi mặt hàng được coi là “vàng đen” đang giảm giá không phanh.

Còn nhớ, năm 2014 giá tiêu thế giới tăng kỷ lục, có thời điểm cán mốc 10.000 USD/tấn. Khi ấy, giá tiêu Việt Nam xuất khẩu trung bình cũng đạt mức 7.679 USD/tấn. Kéo theo đó, mặt hàng được ví là “vàng đen” này chính thức lọt top những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD khi kết thúc năm đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 1,2 tỷ USD.

Trượt khỏi mốc tỷ USD

Với cơn sốt giá hồ tiêu diễn ra trên toàn cầu vào năm 2014, nông dân ở nhiều nước bắt đầu đổ xô trồng loại cây này. Ở Việt Nam, diện tích trồng tiêu cũng tăng chóng mặt, vượt xa nhiều lần con số quy hoạch.

Dân Việt rớt nước mắt trên mỏ 'vàng đen' số 1 thế giới
Việt Nam chiếm 60% sản lượng tiêu xuất khẩu trên toàn thế giới.

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến tháng 12/2018, diện tích hồ tiêu trên cả nước đã đạt 152.000 ha, trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha.

Đơn cử theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu Gia Lai là 6.000 ha. Song, số liệu từ “Niên giám thống kê Gia Lai” cho thấy, đến cuối năm 2017, con số này đã lên tới 17.750 ha, vượt quy hoạch gần 3 lần.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết năm 2013 và 2014 là năm giá hồ tiêu cao nhất, khoảng 230.000 đồng/kg. Khi giá tiêu lên đến đỉnh điểm, nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích trồng tiêu. Thậm chí, tiêu còn được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao.

Theo đó, tại Việt Nam, năm 2013, diện tích trồng tiêu chỉ trên 53.000 ha. Tuy nhiên, sau 5 năm, đến năm 2018, diện tích trồng tiêu cả nước là 152.000 ha, tăng gấp 3 lần.

Nói về sản lượng và lượng hồ tiêu xuất khẩu, ông Hải cho hay, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu tiêu. Cụ thể, năm 2018 cả thế giới xuất khẩu 388.000 tấn thì nước ta xuất khẩu tới 245.000 tấn, chiếm khoảng 60% lượng hồ tiêu xuất khẩu của cả thế giới.

Dù bá chủ thế giới về xuất khẩu tiêu, thế nhưng, năm 2018 mặt hàng “vàng đen” lại trượt khỏi danh sách những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD khi giá trị xuất khẩu cả năm chỉ đem về 959 triệu USD (giảm 32% về giá trị so với năm 2017).

Dân Việt rớt nước mắt trên mỏ 'vàng đen' số 1 thế giới
Sau cơn sốt giá tiêu năm 2014, người nông dân đua nhau mở rộng diện tích trồng loại cây được ví như "vàng đen".

Nông dân khóc ròng vì “vàng đen”

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2018 đạt 3.260 USD/tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá hạt tiêu đã bắt đầu vào quỹ đạo giảm từ nửa cuối năm 2016 sau khoảng một thập kỷ tăng giá liên tục (2006-2015). Nguyên nhân chủ yếu là do sự mở rộng đáng kể diện tích trồng tiêu ở hầu hết nước sản xuất, đặc biệt là tại Việt Nam, Brazil và Campuchia, khiến cho cung tăng cao so với cầu, Cục này cho hay.

Theo Hiệp hội VPA, trên phạm vi thế giới, trong vòng 5-7 năm qua, diện tích hồ tiêu tăng 3 lần (đạt 480.000ha) nhưng giá trị hạ thấp 4 lần. Ở nước ta, giá tiêu khô từ mức 230.000 đồng/kg nay đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 45.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, thấp hơn giá thành mà người nông dân làm ra là 50.000 đồng/kg.

Giá thấp, tại một số thủ phủ “vàng đen” của nước ta, người nông dân khóc ròng vì thua lỗ. Nhiều nơi tiêu chín đỏ trên cây nhưng người nông dân không buồn thu hái. Bởi giá tiêu quá thấp trong khi giá nhân công lại quá cao.

Dân Việt rớt nước mắt trên mỏ 'vàng đen' số 1 thế giới
Giá giảm kỷ lục, tại nhiều địa phương tiêu chín đầy cây nhưng nông dân không buồn thu hái.

Ở Gia Lai, thay vì tiếng cười của người nông dân khi tiêu được mùa thì những ngày này chỉ còn những giọt nước mắt mặn đắng. Giá hồ tiêu vào vụ thu hoạch chỉ còn từ 43.000-45.000 đồng/kg, khiến những người nông dân lỗ nặng.

Đáng chú ý, tại huyện Chư Sê - nơi từng được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu - nay đã biến thành những “nghĩa địa” tiêu trên vùng đất đỏ. Các tỷ phú tiêu một thời giờ tha hương cầu thực nơi đất khách. Giá tiêu sụt giảm chạm đáy khiến đời sống của người dân lâm vào cảnh bế tắc, ngập trong đống nợ.

Tương tự, thủ phủ hồ tiêu như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,... cũng xảy ra tình trạng tiêu chín đỏ trên cành nhưng nông dân không buồn thu hái. Thậm chí, mới đây chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu còn phải huy động người đến thu hoạch tiêu giúp người nông dân. Bởi tại đây có hàng nghìn hecta hồ tiêu đang chín rộ nhưng giá nhân công thu hái quá cao còn bán tiêu lại thấp kỷ lục.

Ông Nguyễn Nam Hải nhận định, giá tiêu muốn phục hồi trong thời gian ngắn là khá khó khăn. Trong năm 2019, giá tiêu chắc chắn không thể tăng cao như thời gian trước. Hiện nguồn cung dư quá nhiều, phải 1-2 niên vụ nữa giá tiêu mới có khả năng phục hồi.

Theo ông Hải, cần tái cơ cấu lại ngành hồ tiêu Việt Nam. Trong đó, vấn đề mấu chốt là giảm diện tích. Những diện tích trước đây không đủ điều kiện trồng tiêu mà người nông dân vẫn phát triển dẫn đến sâu bệnh, năng suất thấp nên chuyển đổi cây trồng. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học.

Theo Bảo Phương/Vietnamnet