Theo hãng tin AP, vào rạng sáng ngày 6/2, trận động đất có độ lớn 7,8 đã tấn công khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khu vực có trên 13,5 triệu người sinh sống. Bốn ngày sau khi thảm họa xảy ra, nhiều nhà xác và nghĩa trang đã rơi vào tình trạng quá tải. Các thi thể thậm chí phải bọc trong chăn, thảm và bạt trên đường của một số thành phố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi đây là “thảm họa thế kỷ”.
Trong khi đó, nhiệt độ ngoài trời đã giảm xuống mức lạnh giá trên khắp khu vực rộng lớn và nhiều người thậm chí còn không tìm được nơi trú ẩn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ người dân trong khu vực hàng triệu bữa ăn, lều trại và chăn, nhưng giới chức vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận người dân có nhu cầu.
Từ Istanbul, anh Mustafa Turan vội vã trở về quê hương Adiyaman vài giờ sau khi trận động đất xảy ra. Anh đếm được 248 tòa nhà bị sập khi trên đường từ sân bay về trung tâm thành phố.
Hôm 10/2, nhà báo này cho biết 15 người thân của anh đã thiệt mạng và rất nhiều người đang phải đối mặt với cảnh “màn trời chiếu đất” trong cái lạnh thấu xương.
“Khoảng 4 giờ sáng, trời lạnh đến mức nước uống của chúng tôi bị đóng băng,” anh nói.
Cho đến nay, Cơ quan quản lý thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận 18.342 người thiệt mạng trong thảm họa với gần 75.000 người bị thương. Trong khi đó, dù chưa thể thống kê về số người bị mất nhà cửa, nhưng cơ quan này cho biết trên 75.000 người sống sót đã được sơ tán đến các tỉnh khác.
Ở bên kia biên giới, tại đất nước Syria đang bị chiến tranh tàn phá, trên 3.300 người đã thiệt mạng, nâng tổng số người thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng lên tới trên 21.600 người.
Các kỹ sư giải thích rằng sở dĩ trận động đất có quy mô tàn phá khủng khiếp như vậy một phần là do việc thực thi các quy định về xây dựng còn lỏng lẻo. Trong nhiều năm, một số chuyên gia đã cảnh báo điều này khiến các tòa nhà có nguy cơ dễ đổ sập nếu xảy ra động đất. Tuy nhiên, vấn đề này phần lớn đã bị phớt lờ, bởi việc xử lý sẽ rất tốn kém, không được lòng dân và hạn chế động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Trước bình minh ở Gaziantep, gần tâm chấn của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ đã kéo Adnan Muhammed Korkut ra khỏi tầng hầm, nơi anh bị mắc kẹt nhiều ngày từ khi trận động đất xảy ra hôm 6/2. Chàng trai 17 tuổi nở nụ cười rạng rỡ trước bạn bè và người thân, vỗ tay và rơi nước mắt vì hạnh phúc khi được đưa ra ngoài và được đưa lên cáng.
“Cảm ơn Chúa đã đến cứu giúp tôi”, Adnan nói và ôm lấy mẹ anh. Những người khác đã cúi xuống ôm hôn Adnan khi anh được đưa vào xe cứu thương. Adnan xúc động nói: “Cảm ơn mọi người!”
Bị mắc kẹt suốt 94 giờ nhưng may mắn cơ thể không bị nghiền nát, chàng trai 17 tuổi cho biết cậu đã phải uống nước tiểu của chính mình để giải tỏa cơn khát.
“Tôi đã có thể sống sót bằng cách đó”, anh chia sẻ.
Nhân viên cứu hộ Yasemin đã ôm Adnan một cách ấm áp và nói: “Chú cũng có con trai khoảng tuổi cháu. Chú đã không ngủ được trong suốt 4 ngày. Chú thề là chú đã không ngủ! Chú đã cố gắng đưa cháu ra ngoài”.
Trong khi đó, nhiều cuộc giải cứu kịch tích cũng đã xảy ra ở nhiều khu vực khác, bao gồm cả ở thành phố Antakya. Sau một đêm dài, đội cứu hộ đã giải cứu thành công bé gái 10 tuổi bị chôn vùi trong đống đổ nát từ hôm 6/2.
Tại thành phố Iskenderun, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 9 người sống sót bị mắc kẹt trong một tòa nhà. Sáu người trong đó là thành viên trong cùng một gia đình. Họ đã được cứu sống sau 101 giờ bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Murat Baygul, một nhân viên cứu hộ cho biết, 6 người này đã may mắn sống sót bằng cách chui vào túi khí nhỏ bị bỏ lại trong tòa nhà bị sập. Tòa nhà này là một căn hộ cao tầng, chỉ cách biển Địa Trung Hải 200 mét. Trận động đất lớn đã khiến nước từ biển dâng cao tràn vào trung tâm thành phố Iskenderun, ngập đến tận chân tòa nhà.
Ở một nơi khác, tại thành phố Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ, một người phụ nữ đã được giải cứu và lực lượng cứu hộ vẫn đang cố gắng tiếp cận con của cô .
Số người thiệt mạng trong trận động đất hôm 6/2 đã vượt qua con số 18.400 người trong trận động đất ngoài khơi Fukushima, Nhật Bản năm 2011, gây ra sóng thần hủy diệt và 18.000 người chết trong trận động đất gần Istanbul năm 1999.
Theo Bộ trưởng Môi trường và Quy hoạch đô thị Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum, khoảng 12.000 tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng.
Các bức ảnh chụp từ trên không từ khu vực động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các tòa nhà cao tầng ở khu vực gần đó chỉ còn lại bê tông, kim loại và dây điện ngổn ngang.
Mặc dù chuyên gia cho biết những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát có thể sống sót trong 1 tuần hoặc hơn, nhưng cơ hội tìm thấy những người bị nạn ở nhiệt độ đóng băng đang giảm dần. Khi các đội cứu hộ và nhiều người đang hoảng loạn đào bới đống đổ nát để tìm người sống sót, trọng tâm cứu hộ bắt đầu chuyển sang phá hủy các công trình không kiên cố và gây nguy hiểm.
Ở Kahramanmaras, thành phố gần tâm chấn nhất, một nhà thi đấu có diện tích bằng một sân bóng rổ, đã được tận dụng làm nhà xác tạm thời để chứa và nhận dạng các thi thể.
Ở Tây Bắc Syria, những chiếc xe viện trợ đầu tiên của Liên hợp quốc đang đi vào khu vực do phiến quân kiểm soát, để giúp đỡ người dân nơi đây.
Trong khi đó, hôm 10/2, tại khu vực bị động đất tàn phá, Tổng thống Syria Bashar Assad lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi thảm họa xảy ra. Truyền thông nhà nước Syria cho biết ông Assad và phu nhân, bà Asmaa, đã đến thăm người gặp nạn bị thương tại Bệnh viện Đại học Aleppo.
Aleppo vốn bị tàn phá bởi nhiều năm nội chiến vì các cuộc bắn phá và pháo kích dữ dội, là một trong những thành phố bị tàn phá nặng nề nhất bởi trận động đất vừa qua.
Trong khi đó, thời tiết lạnh giá, đường sá bị phá hủy cũng đang cản trở công tác cứu hộ cứu nạn. Cơ quan quản lý thiên tai của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trên 120.000 nhân viên cứu hộ đang tham gia nỗ lực cứu nạn và hơn 12.000 phương tiện - bao gồm máy kéo, cần cẩu, máy ủi và máy xúc đã được đưa đến hiện trường.
Theo báo Tin tức