Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy và Dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy trình độ đại học; trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 22/2/2018.
Trong 8 điểm mới về công tác Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2018, đáng chú ý có tới 3 điểm liên quan đến ngành học sư phạm.
3 quy định mới bao gồm: Chỉ quy định điểm sàn với ngành học sư phạm, Xét học bạ vào Đại học sư phạm phải đạt học lực Giỏi và Ngành sư phạm mở rộng điều kiện tuyển thẳng đối với học sinh trường Chuyên.
Vậy là sau bao nhiêu năm, cho tới khi điểm chuẩn vào các trường Sư phạm xuống mức thấp kỉ lục vào năm 2017, tầm quan trọng trong việc đào tạo nguồn lực cho giáo dục mới dần được đặt đúng vị trí của nó.
Xét trong bối cảnh nền giáo dục nước ta đang đứng trước rất nhiều thay đổi dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, nghề giáo vẫn là một trong những nghề cao quý nhất và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Bộ Giáo dục đã có hướng đi đúng khi tập trung vào điều quan trọng nhất trong đào tạo Cử nhân sư phạm đó là: Chất lượng.
Bí quyết của các nền giáo dục hàng đầu nào trên thế giới đều nằm ở việc yêu cầu cao đối với trình độ của ứng viên. Ví dụ như Phần Lan, muốn trở thành Giáo viên, bạn phải hoàn thành bậc học Thạc sĩ và có kiến thức toàn diện trong nhiều lĩnh vực.
Để theo kịp điều này, thì Việt Nam đang còn ở khá xa và còn rất nhiều bước nữa. Những thay đổi trong tuyển sinh đối với ngành Sư phạm mới chỉ là bước đầu tiên.
Muốn có một nền giáo dục thực sự chất lượng, thì Chương trình đào tạo cũng như chế độ lương- thưởng phù hợp, điều kiện làm việc, … cũng cần được chú trọng. Nhất là khi chính sách cắt, giảm biên chế trong ngành Giáo dục thời gian vừa qua đã tác động không nhỏ đến việc đào tạo Sư phạm.
Đây là thời điểm thích hợp để ngành Giáo dục thay đổi và có sự nhảy vọt về chất lượng bởi chưa bao giờ, người dân Việt Nam có điều kiện về vật chất và tinh thần đầu tư cho việc học của con cái như bây giờ.
Đồng thời, chưa bao giờ làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục (trong nước và nước ngoài) lại mạnh như bây giờ.
Ước tính của một tổ chức giáo dục gần đây cho biết, mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 3 tỷ đô la Mỹ cho du học nước ngoài và con số này tăng nhanh qua từng năm.
Chia sẻ trên tạp chí Forbes tháng 9/2017, ông Kiều Xuân Hùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) cho biết: "Xu hướng đầu tư vào giáo dục đại học sẽ tiếp tục trong những năm tới vì đại học ngoài công lập hiện chỉ đào tạo chưa tới 15% sinh viên, trong khi đó theo mục tiêu của Chính phủ là 30%. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, giáo dục, đào tạo tư lên đến 70%".
Theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo đại học và cao đẳng sẽ đạt khoảng 2,2 triệu sinh viên, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng, nhưng khả năng đáp ứng vẫn còn hạn chế.