Bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng trong Chiến dịch Phòng không năm 1972

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972 là một trong những trận quyết chiến chiến lược để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước sang một thời kỳ mới-thời kỳ đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris, tạo thế và lực tiến tới hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước.

Chiến dịch đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng (CTTT) cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta hiện nay.

Thứ nhất, chủ động quán triệt sâu sắc dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), tạo tâm thế sẵn sàng trong các tình huống tác chiến.

Trên cơ sở nắm bắt quy luật khách quan, bản chất, âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động, Đảng, Bác Hồ và QUTƯ đã nhận định tình hình, nghiên cứu và chuẩn bị phương án tác chiến cho các tình huống chiến tranh có thể xảy ra. Cuối năm 1967, sau khi nghe Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) báo cáo tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị”.

Tháng 5-1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp xác định nhiệm vụ cần kíp của quân và dân ta, chỉ rõ: “Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới... buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”.

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) rút kinh nghiệm sau trận đánh, năm 1972. Ảnh tư liệu

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) rút kinh nghiệm sau trận đánh, năm 1972. Ảnh tư liệu

Quán triệt sự chỉ đạo của Bác Hồ và quan điểm của Bộ Chính trị, với sự chủ động, dày công nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn chiến đấu và những hiểu biết ngày càng nhiều về vũ khí, khí tài, các thủ đoạn hoạt động của địch, tháng 9-1972, Quân chủng PK-KQ cơ bản hoàn thiện được “Phương án đánh máy bay B-52”, tổ chức hội nghị cán bộ để phổ biến, trao đổi kinh nghiệm đánh máy bay địch; tổ chức huấn luyện cho các kíp chiến đấu. Các cơ quan, đơn vị tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội, chuẩn bị mọi mặt để đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ.

Như vậy, CTTT trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng đã chủ động đi trước, dự báo chính xác các tình huống tác chiến, làm cơ sở quan trọng để quân và dân ta giành thế chủ động cả về con người và vũ khí, trang bị (VKTB) kỹ thuật; xây dựng được tâm thế sẵn sàng đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ; khắc phục kịp thời biểu hiện do dự, thậm chí “khủng hoảng niềm tin” khi trực tiếp đối đầu với “pháo đài bay” hay “thần sấm”, “con ma” của đế quốc Mỹ. Việc quán triệt sâu sắc dự báo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và QUTƯ từ sớm, với phạm vi rộng và hình thức tuyên truyền phong phú đã làm cho quân dân cả nước nói chung, quân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng thấu suốt chủ trương của Đảng, chủ động trong mọi tình huống, không bị bất ngờ trước quy mô và thủ đoạn đánh phá của địch.

Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTTT, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. CTTT trong Quân đội phải luôn có tính dự báo, chủ động đi trước thực tiễn và làm cho cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) toàn quân luôn có tâm thế tốt, chủ động trong mọi tình huống. Trong lãnh đạo, chỉ đạo CTTT, cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung đánh giá, nắm chắc tình hình và dự báo được diễn biến tư tưởng, tâm trạng của CB, CS trong cơ quan, đơn vị để tìm ra nguyên nhân phát sinh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Thứ hai, xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng của quân và dân ta trong quá trình địch tập kích chiến lược đường không.

Tập trung xây dựng ý chí quyết tâm là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của CTTT trong chiến dịch. CTTT ở các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng với trí tuệ sáng tạo và sự tinh thông về kỹ thuật, chiến thuật, xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ cho mọi lực lượng. Trong chiến dịch, khi có diễn biến rất phức tạp, tình huống nghiêm trọng, nhất là lúc địch thay đổi thủ đoạn chiến thuật gây tác động mạnh đến tư tưởng, tâm lý, niềm tin vào khả năng đánh thắng của bộ đội, CTTT đã nắm bắt, kịp thời khắc phục sự dao động về tư tưởng và các khuynh hướng lệch lạc; chỉ rõ nguyên nhân, chấn chỉnh khắc phục yếu tố tiêu cực, củng cố ý chí chiến đấu và giải quyết những khó khăn về kỹ thuật. Nhờ đó đã củng cố lòng tin, động viên bộ đội chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bắn rơi nhiều máy bay địch.

Kinh nghiệm rút ra ở đây là, hoạt động CTTT phải bám sát bộ đội, bám sát nhiệm vụ tác chiến, xử trí linh hoạt, kịp thời, đúng đắn mọi vấn đề tư tưởng nảy sinh trong tác chiến, giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Lúc đánh thắng cũng như lúc gặp khó khăn đều phải tăng cường CTTT. Trong tình hình hiện nay, hơn lúc nào hết CTTT trong Quân đội phải được tiến hành một cách chủ động, toàn diện, định hướng kịp thời tư tưởng của CB, CS trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình. Để bộ đội có ý chí quyết tâm, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh công nghệ cao của các thế lực thù địch, trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm “người trước, súng sau” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh-yếu tố con người phải đặt lên hàng đầu. Tập trung giáo dục cho CB, CS tin tưởng vào chiến thắng, không bi quan, lo sợ trước vũ khí, công nghệ của đối phương, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

Thứ ba, giáo dục, động viên, cổ vũ CB, CS làm chủ VKTB, phát huy trí tuệ, tìm ra cách đánh mưu trí, sáng tạo, chiến đấu dũng cảm, kiên cường chống lại các thủ đoạn tác chiến của không quân địch.

Xác định đế quốc Mỹ sẽ sử dụng nhiều máy bay hiện đại để tập kích đường không, chúng ta đã coi trọng tổ chức nghiên cứu địch cả về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược và kỹ thuật của không quân Mỹ; huy động trí tuệ và tài năng của mọi CB, CS để tìm ra cách đánh sáng tạo, đạt hiệu quả cao, đồng thời triệt để khai thác tính năng kỹ thuật, chiến thuật của VKTB có trong biên chế để chiến đấu. Quân chủng PK-KQ và các binh chủng liên tiếp mở hội nghị để vừa quán triệt nhiệm vụ, vừa trao đổi kinh nghiệm thực tế, phát động hiến kế lập công sâu rộng, tạo thành cuộc vận động lớn huy động trí lực, tài thao lược của CB, CS nhằm thực hiện tốt chủ trương quyết đánh, biết đánh và đánh thắng B-52 của đế quốc Mỹ. Khi địch thay đổi thủ đoạn tác chiến, hoạt động CTTT đã kịp thời động viên CB, CS thi đua tìm ra cách đánh mới có hiệu quả.

Hiện nay, cùng với việc giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng phải đề cao dân chủ, động viên CB, CS phát huy trí tuệ, ra sức học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm cho bộ đội vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, vừa tinh thông kỹ, chiến thuật, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Đồng thời, CTTT phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới với giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật quân sự. Động viên CB, CS tiến quân vào khoa học kỹ thuật quân sự, ra sức học tập nâng cao bản lĩnh chiến đấu, trình độ kỹ, chiến thuật, năng lực làm chủ VKTB hiện đại.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là lực lượng phòng không ba thứ quân, tạo thành thế trận vững chắc đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không với quy mô lớn của đế quốc Mỹ.

Với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo, ngay sau khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 tham chiến ở miền Nam, Bộ Chính trị, QUTƯ chủ trương xây dựng các đơn vị tên lửa, radar, không quân và một số đơn vị bảo đảm kỹ thuật vững mạnh, kết hợp với củng cố lực lượng phòng không địa phương rộng khắp ở miền Bắc để sẵn sàng đối phó các bước leo thang chiến tranh của địch. Để tạo thế và lực cho chiến dịch, ta đã xây dựng được một thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc và duy trì được sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ. Bên cạnh các lực lượng phòng không chủ lực, tại Thủ đô Hà Nội tổ chức được nhiều trận địa pháo phòng không và hơn 1.100 tổ đội dân quân, tự vệ phối hợp đánh trả máy bay địch. Việc xây dựng thế trận liên hoàn, vững chắc đã phát huy khả năng chiến đấu cao nhất của từng lực lượng, tạo nên “lưới lửa phòng không” đánh máy bay địch từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, cả ngày lẫn đêm.

Từ kinh nghiệm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng tham gia Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972, CTTT trong Quân đội hiện nay cần tuyên truyền, làm rõ: Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt; chú trọng tuyên truyền, giáo dục để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Giáo dục làm cho mọi người hiểu rõ tầm quan trọng, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; nhận thức đúng thuận lợi, thời cơ và nguy cơ, thách thức bên trong, bên ngoài đối với đất nước và chế độ. Phát huy trách nhiệm của các tổ chức và mọi công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Gắn các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với định hướng tư tưởng; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả CTTT với công tác tổ chức, công tác chính sách...

Trung tướng NGUYỄN VĂN ĐỨC, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Theo Quân đội Nhân dân Việt Nam