Những sự kiện giáo dục đáng nhớ nhất 2017

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) -Năm 2017 sắp khép lại với nhiều sự kiện giáo dục đáng nhớ, đặc biệt là với những đề xuất mới như: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục; Cải tiến Tiếng Việt; Học sinh Việt Nam bội thu huy chương các kỳ thi Olympic quốc tế; 30 điểm vẫn trượt đại học, … Và cũng chứng kiến nhiều vụ bạo hành trẻ em tại một số cơ sở mầm non ngoài công lập

Tuyển sinh ĐH: 30 điểm vẫn trượt đại học

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số vấn đề nổi cộm khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, xuất hiện "mưa điểm 10" gấp hơn 40 lần năm trước, bên cạnh đó lại nổi lên việc nhiều thí sinh có điểm thi cao trên 29, thậm chí 30 điểm vẫn trượt đại học do cách xét tiêu chí phụ và cộng điểm ưu tiên. Đặc biệt, điểm chuẩn trong ngành công an, quân đội lấy cao kỉ lục: 30- 30,5 điểm.

Nhiều thí sinh đã phản ánh về việc đạt 29,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng một trường Y vì thua tiêu chí phụ và điểm làm tròn, điểm cộng ưu tiên khu vực.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, chính sách ưu tiên khu vực và vùng miền đã thực hiện trong nhiều năm và có nhiều điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Dù không đồng tình bỏ hẳn nhưng cần cân nhắc, sửa đổi để không quá bất hợp lý.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, tăng hơn hẳn các năm trước khi đạt 98-99%. Với tỉ lệ tốt nghiệp đỗ cao như vậy, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi có nên giữ kỳ thi THPT. 

Công bố dự thảo Luật giáo dục đại học

Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đề xuất một số nội dung đáng chú ý như các phương án về công nhận hiệu trưởng và hiệu phó, trường đại học tự quyết định mức học phí...

Dự kiến, có 36 điều thuộc 10 chương trên tổng số 73 điều, 12 chương của Luật Giáo dục Đại học sẽ được sửa đổi nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ giáo dục đại học, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học cũng như đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế.

Bội thu huy chương các kỳ thi quốc tế

Các thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế 2017 (IMSO 2017) được tổ chức tại Singapore từ ngày 20 - 24/11 đã xuất sắc giành được 12 huy chương, trong đó có 3 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam giành 1 huy chương Vàng của nội dung Khoa học sau nhiều năm tham dự.

Còn tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2017 (IMO 2017) có 112 đoàn tham dự với hơn 600 thí sinh, diễn ra từ 12 đến 23/7 tại Brazil, học sinh Việt Nam đoạt 4 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Tại Olympic Vật lý châu Á lần thứ 18 (tổ chức tại Liên bang Nga hồi tháng 5), đội tuyển Việt Nam có 7/8 học sinh dự thi đoạt giải. Kết quả đạt được có 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 3 Bằng khen (giải khuyến khích). Với thành tích trên, Việt Nam là một trong số 7 đội tuyển (trong tổng số 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia) có Huy chương Vàng.

Lùi chương trình, sách giáo khoa mới vì chưa yên tâm về chất lượng

Chiều 21/11, 89,21% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội.

SGk moi
Từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới đối với mỗi cấp tiểu học, THCS, THPT (Ảnh: Kênh Tuyển Sinh)

Cụ thể, thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Để triển khai lộ trình trên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

"Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định", nghị quyết này nêu.

Từ 2018, bỏ “cấm thi” vào lớp 6?

Các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu, có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Đó là nội dung thay đổi quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về tuyển sinh đầu cấp. Theo các chuyên gia, quy định này sẽ “cởi trói” cho các trường “nóng” về tuyển sinh lớp 6 từ năm tới, tránh hiện tượng chạy chọt tiêu cực như mấy năm vừa qua.

Ngày 18/12, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014. Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo là nội dung liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6.

Điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này ghi rõ: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ

“Tỉ lệ tiến sĩ của Việt Nam còn quá thấp nên phải đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ và không đào tạo tràn lan”-  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.

9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài.

Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, thông tin về vấn đề này có thể chưa rõ, nên dư luận chưa hiểu hết. Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan.

Nhiều vụ bạo lực trẻ em liên tiếp xảy ra

Năm 2017, bạo lực trẻ em là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và xã hội.

Vụ việc bảo mẫu dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ trẻ mầm non ở TP.HCM khiến dư luận bức xúc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, vụ bảo mẫu của cơ sở Mầm Xanh, TP.HCM, bạo hành trẻ được xem là nghiêm trọng. Những người liên quan có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

5 Thu truong Nguyen Thi Nghia
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thăm hỏi học sinh tại trường Mầm non xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình. (Ảnh: Văn Được).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, đây có thể là vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng nhất trong nhà trường từ trước đến nay.

“Đây là vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng nhất trong nhà trường từ trước đến nay. Sự việc này cho thấy các địa phương, phòng giáo dục cần xem xét lại việc cấp phép cho các cơ sở đã đúng quy định chưa, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát về hoạt động của trường mầm non”- Thứ trưởng Nghĩa nêu quan điểm.

Dù cơ quan Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo đã có những động thái giải quyết tình trạng nhưng sự việc đã khiến nỗi nghi ngại về chất lượng các cơ sở mầm non ngày một gia tăng.

Đề xuất cải tiến Tiếng Việt

Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông - về việc giảm bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31 chữ, cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trên cộng đồng mạng.

anh-1-1-copy-1513957499112
PGS.TS Bùi Hiền – người nghiên cứu cải tiến Tiếng Việt. (Ảnh: Q.Anh)

Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng về sự kiện này, Bộ cho rằng rất trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

 

Đề xuất miễn học phí tới cấp Trung học cơ sở

Tháng 11 năm 2017, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý, trong đó có dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh cấp THCS trường công lập.

Theo dự thảo, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.

Học sinh gấp 28.000 hạc giấy tưởng nhớ thầy Văn Như Cương

son_9121_zing_1__ilcb
28.000 hạc giấy tượng trưng cho số năm thành lập trường Lương Thế Vinh do học sinh tự tay làm và trưng bày để tưởng nhớ PGS Văn Như Cương nhân ngày 20/11. (Ảnh Zing).

Chương trình mang tên Dấu ấn, được các bạn đoàn viên thanh niên trong trường phát động, tổ chức. Đây là hoạt động tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ nhà giáo của học sinh toàn trường, đồng thời thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.

Điểm nhấn giữa hàng nghìn cánh hạc giấy là chiếc bánh kỷ niệm ngày ra mắt triển lãm với hình ảnh thân thương của thầy Cương cùng vợ.

Triển lãm cuộc đời và những dấu ấn về cố PGS Văn Như Cương được tổng hợp từ rất nhiều nguồn ảnh tư liệu, kỷ vật... và sắp đặt bài trí xung quanh sân trường cùng một phòng trưng bày trang trọng.

Tình Thương