Những người ăn cơm nhà lo chuyện “thiên hạ”

Nguyễn Diệp Linh
Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Đoan Hùng và những người thường xuyên lưu thông qua tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn xã Tiêu Sơn ai cũng đều biết đến Chốt cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ ngay cạnh đường. Ở đây luôn có các thành viên của Đội cứu hộ, cứu nạn xã Tiêu Sơn túc trực 24/24, sẵn sàng sơ, cấp cứu người bị nạn. Họ là những người nông dân, thợ xây, bộ đội nghỉ hưu… tình nguyện tham gia giúp đỡ những trường hợp không may gặp nạn khi lưu thông qua địa phương. Việc làm thầm lặng của họ đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

111d3081631t3638l5-tieu-son-1-1677745557.jpg

Chốt cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ xã Tiêu Sơn trên Quốc lộ 2.

 

Với vị trí giao thông huyết mạch, tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua xã Tiêu Sơn với chiều dài khoảng 40km có nhiều vòng cua, khúc quanh, lưu lượng xe cơ giới qua lại đông nên đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. Trong khi những người qua đường và người dân sinh sống quanh vùng còn có tâm lý e ngại, lo sợ “làm phúc phải tội” thì ông Phan Tất Thọ đã mạnh dạn ra giúp đỡ, không kể ngày hay đêm. Trước đây, ông là bộ đội được đào tạo, huấn luyện bài bản về cách sơ cứu người bị thương, khi xuất ngũ về địa phương, nhà ở gần đường hay chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông, thấy người bị nạn rất thương tâm nên ông không ngần ngại “sắn tay” giúp sơ cứu và đưa người đến bệnh viện. Ăn cơm nhà lo chuyện “thiên hạ”, những ngày đầu ông Thọ không được ủng hộ nhưng dần về sau, thấy việc làm giúp ích được cho nhiều người, người dân trong vùng đã đồng tình, hưởng ứng, thậm chí tự nguyện cùng ông tham gia công tác cứu hộ.

Năm 2006, Đội cứu hộ, cứu nạn đường bộ xã Tiêu Sơn được thành lập trực thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện với ba thành viên, nay đội có mười người thường trực do ông Thọ làm đội trưởng và luôn có cả những tình nguyện viên sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi cần. Nhiệm vụ chính của đội là bảo vệ hiện trường, sơ cứu và cấp cứu người bị nạn và tìm cách liên lạc với gia đình, nếu chưa liên lạc được thành viên của đội sẽ luân phiên túc trực bên giường bệnh, chờ đến khi liên lạc và bàn giao lại cho người nhà nạn nhân thì mới trở về.

Ông Thọ chia sẻ: “Việc sơ cứu người bị tai nạn trước khi đưa họ đến bệnh viện rất quan trọng, đòi hỏi người sơ cứu phải có kiến thức, kinh nghiệm và làm đúng phương pháp. Để đáp ứng yêu cầu về cứu hộ cứu nạn, các thành viên trong đội thường xuyên được tham giá các lớp tập huấn tại các bệnh viện, cũng như luyện tập và trao đổi kinh nghiệm về công tác cứu hộ, sơ cứu. Hiện, Đội đã được cấp chứng chỉ cấp độ một về sơ, cấp cứu của Sở Y tế và của Hội Chữ thập đỏ tỉnh”.

Trước đây kinh phí mua thuốc, đồ sơ cứu hoàn toàn là do các thành viên tự bỏ tiền túi ra mua. Nhận thấy việc làm có ý nghĩa và hiệu quả, năm 2018, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, huyện Đoan Hùng đã hỗ trợ Đội chiếc xe cứu thương chuyên dụng và các trang thiết bị y tế phục vụ việc cứu hộ, sơ cứu như: Bình oxy, cáng, thuốc men, băng gạc…. Cùng với đó, các thành viên trong đội đều được Bệnh viện tặng thẻ BHYT để yên tâm gắn bó với công việc.

111d3081639t9527l2-18115-1677745741.jpg

Các thành viên trong Đội cứu hộ, cứu nạn xã Tiêu Sơn.

 

Từ khi thành lập đến nay, không quản ngày, đêm, mưa, nắng, giá rét, các thành viên trong tổ đã tham gia cứu hộ, cứu nạn hàng trăm vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 2, thâm chí cả những vụ rất nghiêm trọng, không chỉ thuộc địa phận xã mà còn ở các xã lân cận, sơ cứu và chuyển đến bệnh viện huyện điều trị. Nhật ký hoạt động của Đội được ghi lại rõ ràng, cụ thể từ thời gian, địa điểm, nội dung sự việc tai nạn...

Với những việc làm ý nghĩa trong cứu giúp người bị nạn, trong những năm qua Đội đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành như: Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giấy khen của Công an tỉnh Phú Thọ, Giấy khen của UBND huyện Đoan Hùng... vì đã có những đóng góp tích cực trong công tác cứu nạn, cứu hộ.

Với các thành viên trong đội cứu hộ, niềm vui, hạnh phúc đơn giản chỉ là khi nghe tin nạn nhân được cứu sống, hay những ánh mắt, cái nắm tay thật chặt thay lời cảm ơn. Họ luôn đặt chữ tâm và phương châm “Cứu một người phúc đẳng hà sa” để làm thật tốt và từng ngày cố gắng, miệt mài trên hành trình lan tỏa những yêu thương đến với cộng đồng.

Theo báo Phú Thọ