Những giọt máu quý như vàng giúp người bệnh từ cõi chết trở về

Tạp Chí Nhân Đạo
Trước khi thành lập CLB Nhóm máu hiếm, các bệnh viện từng chật vật tìm sự bổ sung phù hợp trong những tình huống khẩn cấp.

Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm là tập hợp những người mang dòng máu đặc biệt, khoảng 0,1% dân số Việt Nam. Sau 13 năm thành lập, CLB người có nhóm máu hiếm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc) đã thay đổi rất nhiều công việc của các y bác sĩ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), người đã góp công sáng lập, đồng hành với CLB Nhóm máu hiếm từ những ngày đầu tiên, hiểu rõ tầm quan trọng của CLB với các bệnh nhân và bác sĩ.

1
CLB Nhóm máu hiếm đã thay đổi công việc của các y bác sĩ trong 13 năm qua. Ảnh: NVCC

Hình thành sau biến cố

Tiến sĩ Quế kể năm 2006, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận sản phụ mang máu hiếm Rh(D) âm nguy kịch cần được truyền máu bổ sung.

Thời điểm đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Viện Huyết học) chỉ phát hiện và nắm được số ít trường hợp máu hiếm thông qua hiến máu tình nguyện. Qua đó, các bác sĩ sẽ gọi và thuyết phục họ cho máu trong những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, số lượng nhỏ cùng thực tế ít người sẵn sàng cho máu khiến các bệnh viện rơi vào tình thế rất bí.

Sản phụ lần này không phải ngoại lệ. Nhận được thông tin, Viện Huyết học tức tốc kêu gọi những người có nhóm máu phù hợp nhưng thất bại. Viện Huyết học đã liên hệ các Đại sứ quán quốc tế - nơi nhiều người da trắng mang nhóm máu Rh(D) âm.

Tuy nhiên, giải pháp này cần thời gian tìm hiểu, điều tra mục đích lấy máu cũng như tính hợp pháp của bệnh viện. Sau một tuần, đại sứ Australia đồng ý hiến một đơn vị máu 450 ml và giúp các y bác sĩ cứu sản phụ thành công.

Kỳ tích đó cũng là cảnh báo với những người làm y tế. Họ phải đưa ra giải pháp nhằm chủ động chuẩn bị nguồn máu hiếm tốt hơn, tránh những tình huống hiểm nghèo tương tự tiếp diễn.

Năm 2007, Viện Huyết học thành lập CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc. Một năm sau, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cùng cơ sở truyền máu thành lập và duy trì các CLB Nhóm máu hiếm tại TP.HCM, Đông Nam Bộ, miền Trung, Bình Định…

2
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: BVCC

CLB tập hợp những người mang máu hiếm ở nhiều khu vực với mục tiêu xây dựng ngân hàng máu hiếm, kịp thời kêu gọi trong tình huống khẩn cấp. Tại đây, các bác sĩ có thể chia sẻ, hỗ trợ kiến thức cho thành viên.

CLB là nơi họ được tư vấn cụ thể về giá trị bản thân, tránh hiểu nhầm trong cuộc sống, tạo nên cộng đồng người máu hiếm, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là khi một thành viên cần truyền máu. CLB giúp họ xây dựng tiếng nói tập thể, các thành viên được tham gia, vận động, tổ chức cũng như xây dựng chính sách cho người máu hiếm.

Những cuộc đời tưởng đã kết thúc

14h ngày 5/8/2019, Nguyễn Thanh Sơn (23 tuổi, trú tại Thanh Hóa) cùng thủy thủ đoàn đánh cá trên biển, bất ngờ bị mảnh kim loại văng trúng cánh tay phải và mất nhiều máu.

Trước tình hình nguy cấp, thuyền trưởng tức tốc đưa Sơn quay về bờ trong sự lo lắng của toàn bộ ngư dân trên tàu. Hai giờ sau, Sơn được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An trong tình trạng hôn mê, cơ thể chỉ còn 13% máu.

Tại bệnh viện, bác sĩ phụ trách thông báo Sơn mang nhóm máu A Rh(D) âm - một trong những nhóm máu hiếm tại Việt Nam. Do tình trạng nguy kịch, Sơn cần truyền máu gấp để níu giữ hy vọng sống sót.

Nhận tin, toàn bộ người thân, đồng nghiệp, bạn bè của Nguyễn Thanh Sơn đăng tải lời cầu cứu lên mạng xã hội với hy vọng tìm được lượng máu hiếm.

Mọi chuyện rơi vào bế tắc khi nhiều người dân Nghệ An tới bệnh viện - nơi Sơn đang điều trị - để xét nghiệm hiến nhưng không ai có nhóm máu tương thích.

22h cùng ngày, sự xuất hiện của 2 thành viên CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc nhóm A Rh(D) âm đã kéo lại sự sống cho Sơn. Sau khi nhận tin từ chủ nhiệm CLB, hai người đã gác lại công việc và gia đình để cùng nhau bắt chuyến xe gần nhất tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, xin hiến máu cho Sơn.

Sau gần nửa ngày kể từ thời điểm tai nạn, Sơn được nhận 2 đơn vị máu đầu tiên và qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, do lượng máu mất quá nhiều, Sơn được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) sáng hôm sau để phẫu thuật.

Tại đây, CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc tiếp tục huy động thành viên tới hỗ trợ. Tổng cộng, Nguyễn Thanh Sơn nhận được 11 đơn vị máu và trải qua 3 cuộc phẫu thuật.

Dù không giữ được cánh tay do mất máu quá nhiều, Sơn may mắn sống sót. Hiện Sơn hoàn toàn khỏe mạnh, tiếp tục bám biển hành nghề đánh cá và là thành viên tích cực của CLB Nhóm máu hiếm tỉnh Thanh Hoá.

Trong Hội nghị gặp mặt CLB người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc, Sơn chia sẻ: “Cảm ơn tất cả gia đình nhóm máu hiếm, nhờ sự giúp đỡ của mọi người mà tôi mới có thể chia sẻ câu chuyện của mình hôm nay”.

3
Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ trong Hội nghị Gặp mặt CLB người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc. Ảnh: BVCC.

Bên cạnh các ca tai nạn, tiến sĩ Quế cho biết những trường hợp thai sản, bất đồng nhóm máu mẹ con cũng diễn ra rất thường xuyên. Nguyên nhân là máu con thuộc nhóm Rh(D) dương nhưng máu mẹ là Rh(D) âm, từ đó, chúng sinh kháng thể chống lại (kháng thể bất thường). Kháng thể rất nhỏ và có thể chui qua hàng rào nhau thai, gây tan máu sơ sinh nguy hiểm.

Trong những tình huống này, các bác sĩ phải có biện pháp thay máu hoặc trung hoà kháng thể. Vì vậy, tất cả sản phụ đều phải được xác định nhóm máu Rh để bệnh viện, với sự trợ giúp của CLB Nhóm máu hiếm, có sự chuẩn bị khi có yêu cầu.

Tiến sĩ Trần Ngọc Quế cho hay từ thời điểm CLB Nhóm máu hiếm được thành lập, các cơ sở y tế đã hạn chế đáng kể tình trạng thiếu máu hiếm cũng như để bệnh nhân tử vong vì nguyên nhân này.

Thế nào là nhóm máu hiếm?

Năm 1901, nhà bác học Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…

Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên khác nhau. Trong đó, hai hệ ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.

Mỗi hệ lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất. Chúng hơn 50 kháng nguyên, trong đó, D là phổ biến nhất.

Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý. Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm.

Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

Trong khi đó, ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc..., tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15% - 40% dân số.

Theo Zing