Những dấu hiệu đột quỵ não ở người trẻ mọi người cần biết

Nguyễn Diệp Linh
Bệnh nhân hơn 30 tuổi nhập viện trong tình trạng tiếp xúc chậm, mất ngôn ngữ, miệng méo, liệt hoàn toàn nửa người phải.

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là một bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Bệnh là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu thế giới.

Theo thống kê của Hội Đột quỵ thế giới năm 2019, tỉ lệ mắc đột quỵ não gia tăng theo tuổi nhất là những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi có xu hướng ngày càng tăng.

Sức khỏe - Những dấu hiệu đột quỵ não ở người trẻ mọi người cần biết

(Ảnh minh họa).

Khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh N.N.T, 36 tuổi, địa chỉ Trưng Vương, Uông Bí, Quảng Ninh.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng tiếp xúc chậm, mất ngôn ngữ, miệng méo, liệt hoàn toàn nửa người phải ngày thứ nhất.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Đột quỵ nhồi máu não cấp thùy thái dương trái thuộc vùng cấp máu của động mạch não giữa trái, tiên lượng nặng. Các bác sĩ đã điều trị tích cực theo phác đồ cho người bệnh T.

Sau 13 ngày người bệnh đã nói tốt hơn, có phục hồi vận động, được ra viện. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của người bệnh còn cần thêm thời gian dài, và di chứng sau đột quỵ sẽ ít nhiều gây trở ngại trong cuộc sống của người bệnh. Người bệnh sau khi ra viện sẽ được tái khám định kì và thực hiện tập phục hồi chức năng.

Nhân trường hợp này, các bác sĩ cũng muốn khuyến cáo người dân: Có rất nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ não ở người trẻ như bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường; những người có lối sống ít vận động, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia; Ngoài ra, còn có thể liên quan đến yếu tố di truyền, bất thường về mạch máu hoặc tình trạng đông máu.

Do vậy để giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ cần làm gì?

- Khám sức khỏe định kì tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ để điều trị kịp thời.

- Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu.

- Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh tình trạng stress, mất ngủ kéo dài

- Nếu trong gia đình có người từng có bất thường về mạch máu, tăng đông máu nên được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn… Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".

PGS. Tôn khuyến cáo: Với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn: Điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.

DIỆU THU