Những bữa ăn ấm lòng từ... tủ lạnh cộng đồng

Tạp Chí Nhân Đạo
Vài ngày qua "Tủ lạnh cộng đồng" cung cấp miễn phí rau, trứng, sữa... đặt tại quận Bình Thạnh, TPHCM đã trở thành điểm đến quen thuộc của người lao động nghèo, trong đợt dịch Covid-19 thứ tư.

Ai cần thì lấy, ai có thì cho

Mấy hôm nay, chiếc "tủ lạnh cộng đồng" cung cấp miễn phí rau củ, trứng, sữa... cho người dân khó khăn trong mùa dịch Covid-19 được đặt trước nhà số 100 đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều lao động nghèo sống xung quanh đây.

Chiếc tủ lạnh này độc đáo ở chỗ là ai cần có thể đến lấy, ai dư có thể mang đến ủng hộ.

Những bữa ăn ấm lòng từ... tủ lạnh cộng đồng - 1
"Tủ lạnh cộng đồng" cung cấp thực phẩm thiết yếu như rau củ, trứng, sữa cho người dân khó khăn vì dịch bệnh.

Trưa 22/6, chị Lê Thị Hoa Lan (43 tuổi, nhân viên tạp vụ) đến xếp hàng chờ nửa tiếng mới đến lượt mình nhận thực phẩm từ tủ lạnh miễn phí này. Chị Lan cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến bữa ăn gia đình chị trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hiện chị Lan là nguồn thu nhập chính gồng gánh cả gia đình bởi chồng chị vừa mất việc, đứa con duy nhất đã 11 tuổi nhưng chưa được đi học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nghe người quen kể về chiếc tủ lạnh cộng đồng cung cấp rau củ miễn phí, chị vội đến xếp hàng với hi vọng nấu được một bữa cơm no cho cả nhà.

"Tôi tranh thủ làm xong ca sáng thì chạy qua đây xếp hàng đợi lấy rau củ rồi chạy đi làm tiếp. Sáng nay tôi mới mượn mấy trăm ngàn đóng đỡ tiền trọ, không biết chiều nay lấy gì để ăn thì may mắn biết đến tủ lạnh này. Tôi không biết phải cảm ơn sao cho hết!", chị Lan xúc động chia sẻ.

Những bữa ăn ấm lòng từ... tủ lạnh cộng đồng - 2
 Chị Hoa Lan xếp hàng từ sớm đợi nhận thực phẩm từ tủ lạnh cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (50 tuổi) thì tiện đường đi bán vé số ngang đây cũng ghé vào xếp hàng chờ nhận thực phẩm từ tủ lạnh. Chị Thảo quê ở An Giang, lên Sài Gòn bán vé số đã 2 năm nay và đang sống trong trong cảnh thiếu trước hụt sau vì "kẹt" lại TPHCM từ ngày giãn cách xã hội.

"Mỗi ngày tôi bán 50 tờ vé số cũng không hết vì hàng quán đều đóng cửa, ai cũng sợ lây bệnh nên ngại lại gần. Mấy nay chủ nhà đòi tiền trọ mà tôi vẫn chưa có tiền đóng, một mình trên đây không quen biết cũng không mượn được ai để xoay xở", chị Thảo nói.

Giữa lúc túng quẫn, "tủ lạnh cộng đồng" xuất hiện và san sẻ nỗi lo về nguồn thực phẩm căn bản hằng ngày với chị Thảo.

Những bữa ăn ấm lòng từ... tủ lạnh cộng đồng - 3
 Đối với chị Thanh Thảo, thực phẩm là món quà vô cùng quý giá trong những ngày này.

"Nhờ cái tủ lạnh miễn phí này mà tôi với mấy anh chị em cùng cảnh có rau củ nấu ăn qua ngày. Tôi mừng dữ lắm! Ai cũng biết ơn các nhà hảo tâm hết, không có nó tôi cũng không biết sống sao trong những ngày tới", chị Thảo tâm sự.

Nơi trung chuyển tấm lòng

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 22/6, ông Nguyễn Tuấn Khởi, chủ nhân của "tủ lạnh cộng đồng" cho biết: "Chỉ thị số 10 của UBND TP kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài. Vì thế, mỗi lần người dân đến nhận thực phẩm, tủ lạnh cộng đồng sẽ cung cấp nguồn thực phẩm đủ trong 1-2 ngày, thay cho việc người dân phải liên tục đến nhận cơm bữa tại các bếp từ thiện".

Những bữa ăn ấm lòng từ... tủ lạnh cộng đồng - 4
 Tủ lạnh đầy ắp bí đỏ, bầu và đậu bắp để người dân lựa chọn.

Theo ông Khởi, tủ lạnh cộng đồng hoạt động như một "ống heo trung chuyển tấm lòng" giữa nhà hảo tâm với những người có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh, giữa người có và người khó.

Dù mới đi vào hoạt động, tủ lạnh đã tiếp nhận hơn 500 lượt người đến nhận thực phẩm mỗi ngày và vận động được hơn 100 tấn thực phẩm từ nhà hảo tâm.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi cũng cho biết, mục đích xa hơn của tủ lạnh cộng đồng là để chống lãng phí thực phẩm. Vì nhiều nơi có thực phẩm tươi sống dư thừa, không sử dụng hết trong thời gian nhất định sẽ hư hỏng mà không biết cho ai. Còn nhiều hoàn cảnh thiếu thốn lại rất cần những thực phẩm như thế. Tủ lạnh cộng đồng này như một điểm trung chuyển, kết nối nơi có dư thực phẩm với người thiếu thức ăn.

Những bữa ăn ấm lòng từ... tủ lạnh cộng đồng - 5
 Ông Khởi trao tận tay thực phẩm cho người dân để tránh chờ đợi lâu.

Theo ông Khởi, mô hình tủ lạnh cộng đồng này cũng không phải là ý tưởng mới mà đã xuất hiện từ lâu và hoạt động có hiệu quả ở các nước như Mỹ, Pháp. Mô hình này được ông triển khai tại Việt Nam từ đợt dịch Covid-19 năm 2020 sau đó tạm ngưng.

Đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chủ nhân tủ lạnh cộng đồng mới khởi động lại mô hình này để giúp đỡ người lao động nghèo đang gặp khó khăn.

Những bữa ăn ấm lòng từ... tủ lạnh cộng đồng - 6
 Bên trong nhà số 100 Ung Văn Khiêm, tình nguyện viên tất bật chuẩn bị thực phẩm để vào tủ lạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi hứa sẽ duy trì tủ lạnh tại số 100 Ung Văn Khiêm trong thời gian dài, ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn. Đồng thời, ông đang xúc tiến để mở rộng thêm nhiều tủ lạnh cộng đồng ở các khu vực khác.

Thoe dantri.com.vn