Với tỉnh Nam Định, tình cảm và sự quan tâm của Người được thể hiện qua những lời dặn dò trong những lần về thăm.
Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VietNamNet đăng tải chùm bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cán bộ, đảng viên đoàn kết; lương - giáo đoàn kết
Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Nam Định là vào chiều ngày 10/1/1946. Người đã gặp và nói chuyện thân mật với đại biểu thân hào, thương gia về việc cứu tế những đồng bào đang gặp khó khăn, nhất là do nạn đói; thăm hỏi phụ nữ, chức sắc và đồng bào Thiên Chúa giáo, Phật giáo.
Sáng hôm sau, trước Ủy ban hành chính TP Nam Định, Người gặp và nói chuyện với các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, bộ ngành, các giới. Người cũng đến thăm các cháu thiếu nhi TP Nam Định và thân mật chia kẹo cho các cháu.
Trước khi rời TP, Người dành thời gian đến thăm và tặng quà các cháu bé được nuôi dưỡng ở Trại trẻ mồ côi Nam Định. Người thăm phòng ở, từ nơi nuôi trẻ sơ sinh đến phòng dành cho cháu 9-10 tuổi.
Ngày 24/4/1957, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Nam Định. Bác đi thăm phân xưởng tơ, sợi, dệt, nhuộm, chăn… của nhà máy, vào cả nhà kho và những buồng máy oi bức nhất.
Sau đó, Bác đi bộ cả một quãng đường dài nắng gắt để tới thăm bệnh xá, nhà trẻ và khu tập thể của cán bộ, công nhân viên nhà máy. Người biểu dương, trước khi TP Nam Định được giải phóng, anh chị em đã cố gắng đấu tranh giữ máy móc, không cho địch phá và tháo mang đi; khen ngợi anh chị em đã cố gắng đảm bảo mức sản xuất.
Người cũng biểu dương cán bộ, công nhân cũ lành nghề đã cố gắng sản xuất và tích cực giúp đỡ công nhân mới; quan tâm đến sự tiến bộ của cán bộ nữ, công tác chính trị, văn hóa, vệ sinh và xây dựng, bình chọn lao động xuất sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu tập thể công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, ngày 24/4/1957.
Đồng thời, Bác cũng lưu ý phải nêu cao tinh thần làm chủ, chú trọng hơn đến công tác cán bộ nữ, vấn đề phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu; thực hiện đoàn kết trong cán bộ và công nhân, giữa cán bộ kỹ thuật và cán bộ hành chính; thực hành dân chủ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công đoàn, đoàn viên thanh niên...
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của công nhân, Người nói: “Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy”.
Đặc biệt, với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, Bác đã nêu quan điểm về việc làm khoán - một quan điểm rất mới mẻ vào thời điểm đó. Quan điểm này đã được minh chứng trong thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem một số sản phẩm của Nhà máy Dệt Nam Định sản xuất, ngày 24/4/1957.
Cùng ngày, tại Câu lạc bộ TP Nam Định, Bác đã nói chuyện với hơn 500 đại biểu các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Sau khi biểu dương thành tích mà tỉnh đạt được, Người căn dặn cán bộ, nhân dân phải nâng cao ý chí chiến đấu, nâng cao lòng tin tưởng, phải giữ tính kỷ luật trước âm mưu phá hoại của kẻ địch.
Người hết sức chú trọng nhắc nhở về bài học đoàn kết: “Đoàn kết từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; cán bộ cũ, mới đoàn kết; đảng viên cũ, mới đoàn kết; lương, giáo đoàn kết. Các cô, các chú phải cố gắng làm thế nào để Nam Định có những xã kiểu mẫu, có huyện kiểu mẫu, tiến lên thành tỉnh kiểu mẫu”…
Người cũng đến nói chuyện tại Hội nghị cán bộ sửa sai tỉnh Nam Định. Sau khi khẳng định ý nghĩa thắng lợi của cải cách ruộng đất, Người chỉ rõ những sai lầm đã phạm phải là tạm thời, Đảng và Chính phủ đang quyết tâm sửa chữa….
Cán bộ phải xung phong gương mẫu trong mọi việc
Ngày 13/8/1958, Bác về thăm Nam Định lần thứ 3, dự Đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang họp tại xã Yên Tiến (huyện Ý Yên) - nơi có kết quả thu hoạch vụ chiêm cao hơn cùng kỳ năm trước gần 59 tấn thóc, nơi đang có phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật làm mùa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, ngày 13/8/1958.
Nói chuyện với gần 1.000 cán bộ và đại biểu nhân dân từ tỉnh đến xã, Người khen ngợi những cố gắng và chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục, đặc biệt cần chú trọng khâu kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Người căn dặn phải nhớ kỹ những bài học của vụ chiêm vừa qua, tuyệt đối không được chủ quan, phải sửa đổi lề lối làm việc để lãnh đạo được sâu sát, kịp thời, chu đáo.
Người tặng huy hiệu cho hai nông dân xã Nam Hồng và Nghĩa Thắng vì có thành tích trong sản xuất và vận động được nhiều bà con vào tổ đổi công.
Trước khi ra về, Người vào thăm một số gia đình trong xã Yên Thế, tham quan cánh đồng xã Đông Hưng, nơi những năm trước chỉ cấy được vụ chiêm nhưng nhờ làm tốt thủy lợi nên lúc này cấy thêm được vụ mùa.
Bác Hồ thăm cánh đồng lúa Đông Hưng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, ngày 13/8/1958.
Ngày 15/3/1959, Đảng bộ và nhân dân Nam Định lần thứ 4 được đón Bác về thăm. Người tới thăm Nhà máy Dệt Nam Định. Tại Quảng trường Hòa Bình Người đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Người khen Nam Định đã cố gắng chống hạn và phê bình diện bị hạn vẫn còn rộng, ảnh hưởng đến thu hoạch. Người yêu cầu phải tập trung lực lượng, tìm mọi cách chống hạn và trong lúc chống hạn, phòng hạn, phải có kế hoạch phòng úng.
Người động viên lãnh đạo tỉnh, huyện, xã “gần đây có quyết tâm, nhưng còn phải bền bỉ biến quyết tâm ấy thành quyết tâm của tất cả cán bộ và quần chúng”, đồng thời nhắc nhở "muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng sợ khó, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm, quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi".
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra, xem xét việc chống hạn tại tỉnh Nam Định, ngày 15/3/1959.
Gặp gỡ Đảng ủy Nhà máy Dệt Nam Định, Người căn dặn cần chú ý thực hiện: Một là, phải làm công tác phát động quần chúng cải tiến quản lý xí nghiệp gọn và tốt. Hai là, không được để hụt mức sản xuất, phải bảo đảm kế hoạch cả về sản lượng và chất lượng, phải làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Ba là, cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu. Bốn là, công nhân bây giờ làm chủ, không phải đi làm thuê như trước, phải khéo tổ chức công nhân tham gia quản lý nhà máy. Năm là, phải chú trọng công tác phát triển đảng viên và đoàn viên thanh niên.
Bác Hồ thăm Nam Định lần thứ 5 là vào ngày 23/8/1959 khi Người đi kiểm tra tình hình chống úng của tỉnh. Sự kiện này ít được nhắc đến, có lẽ do Bác đi kiểm tra và về luôn, không làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh.
Lần thứ 6 Bác thăm Nam Định là vào ngày 21/5/1963 khi về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V tại Hội trường Nhà máy Dệt. Người biểu dương kết quả của Đảng bộ tỉnh trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục, vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ trị an.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V, ngày 21/5/1963.
Người chỉ rõ: “Đồng bào Nam Định rất chất phác, cần cù, lại có truyền thống anh dũng trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Cán bộ nói chung đều tận tụy. Cho nên tỉnh ta đã có thành tích về các mặt công tác”.
Bên cạnh đó, Người cũng thẳng thắn phê bình một số hạn chế trong lãnh đạo của Tỉnh ủy và nhắc nhở: “Các cấp, từ chi bộ đến Tỉnh ủy, phải vì lợi ích chung của Đảng và của nhân dân mà tự phê bình một cách thành khẩn và thẳng thắn. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ phải luôn luôn tự hỏi: Mình đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo của Đảng hay là chưa?”.
Sau đó, Người đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định, khu tập thể của cán bộ công nhân viên. Người ân cần hỏi han tình hình sinh hoạt, học tập và ăn ở của công nhân, nhắc nhở đẩy mạnh thi đua sản xuất với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên) và phải cải thiện đời sống tốt hơn.
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Nam Định trong buổi mít tinh tại sân Quảng trường Hòa Bình, ngày 22/5/1963.
Đến thăm bệnh viện và phòng triển lãm của tỉnh, Người căn dặn cán bộ, nhân viên cần thực hiện câu "Lương y kiêm từ mẫu", nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh được tốt. Người ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng của tỉnh: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng CNXH thắng lợi”.
Nhấn mạnh bài học xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Người nêu rõ: “Cán bộ từ Trung ương đến xã đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đồng bào cần phải luôn luôn giúp đỡ và phê bình cán bộ để họ làm trọn nhiệm vụ”.
Ngoài những lần đến thăm và làm việc với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nam Định, Bác Hồ cũng gửi nhiều thư, điện, viết bài biểu dương, động viên tinh thần tích cực.
Bài viết có tham khảo tư liệu của PGS.TS Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Ảnh: Tư liệu Bảo tàng tỉnh Nam Định
Trần Thường