Theo thông tin từ Trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại TPHCM, thí sinh năm nay có mức điểm đầu vào cao hơn so với năm 2017, như 26,6 là điểm của thí sinh (TS) Võ Thị Huyền, thủ khoa Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM. So với thủ khoa của một số trường ĐH, thì mức điểm này cao hơn. Ví dụ, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM là 26,25 điểm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là 26,4 điểm. Với mức điểm đó hoàn toàn có thể đỗ một trường Đại học tuy nhiên các thí sinh lại lựa chọn theo học Cao đẳng.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, thông tin: “Đến thời điểm này, trường đã tuyển đủ 3.300 chỉ tiêu cho 11 ngành, nhanh hơn so với năm 2017. Năm nay, dù phổ điểm thi THPT quốc gia thấp hơn năm trước, nhưng số lượng TS đạt điểm trên 17 đậu vào trường chiếm 51%, trên 16 điểm chiếm 72%, nhiều TS trên 20 điểm”.
Ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “Năm 2017, trường cũng tuyển đạt chỉ tiêu, nhưng kéo dài đến hết tháng 8. Năm nay xét tuyển quá nhanh so với năm trước, khi đến 30/7 trường đã ngưng nhận hồ sơ do lượng TS nộp vào quá nhiều. Rất nhiều TS có điểm thi THPT quốc gia đạt 19 - 22 điểm. Có TS 12 năm liền là học sinh giỏi, điểm thi trên 20 nhưng cũng không học ĐH. Số lượng học sinh giỏi (8,0 trở lên) vào trường năm nay chiếm hơn 20%. Điều bất ngờ là một số em sẵn sàng nộp hồ sơ chờ sang năm 2019 vào học tại trường, do năm nay chỉ tiêu đã hết”.
Các trường CĐ: Kỹ thuật Cao Thắng, Công thương TP.HCM, Kỹ nghệ 2... đều đã đủ chỉ tiêu và bắt đầu chương trình học sớm.
Đến thời điểm hiện tại, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã có gần 1.300 sinh viên nhập học, đạt trên 80% so với chỉ tiêu đăng ký. Đây là con số khác biệt so với các mùa tuyển sinh trước.
Tại Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trường cho biết, thủ khoa ở phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT đạt 21 điểm. Theo đó có khá nhiều thí sinh đạt học sinh giỏi 3 năm cấp 3 và học sinh giỏi 12 năm học. Tỷ lệ thí sinh thi đạt trên 15 điểm chiếm 80% chỉ tiêu xét điểm thi THPT.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, để đạt được kết quả như trên là cả một quá trình nghiên cứu, đổi mới và tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động. Nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối với doanh nghiệp và nhà trường. Đặc biệt chương trình đào tạo được nhà trường tăng thời lượng thực hành giúp sinh viên không những nắm bắt được kiến thức mà còn áp dụng vào thực tế công việc, đảm bảo sinh viên ra trường làm được việc ngay, doanh nghiệp sẽ không mất thời gian đào tạo.
Thành công từ mô hình ứng dụng thực tế vào chương trình học
Mô hình ứng dụng thực tế được Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn được đánh giá là một trong những loại hình đào tạo mang lại hiệu quả cao. Điểm nổi bật của loại hình đào tạo này chính là sự gắn kết chặt chẽ giữa trường học với doanh nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường cao, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng ngay nguồn nhân lực này mà không cần phải mất công đào tạo lại, tiết kiệm được nguồn lực cho xã hội.
Chương trình đào tạo thu hút được khá nhiều sinh viên theo học tại trường, thời lượng thực hành lên đến 70% bao gồm cả việc bồi dưỡng những kỹ năng mềm, kỹ năng áp dụng trong công việc. Các hoạt động thí nghiệm, thực tập, thực hành đều được nhà trường triển khai đào tạo cho từng ngành. Đánh giá sinh viên sẽ căn cứ vào kết quả thực hành và các kỹ năng thực nghiệm tại môi trường thực tế song song với phần thực hiện kiến thức lỹ thuyết cơ bản.
Đổi mới phương pháp giảng dạy cũng có nhiều phần khác so với chương trình đào tạo truyền thống như bỏ đi những môn không quan trọng, thêm vào những môn cần thiết, tăng thời lượng thực hành thực tập và đi thực tế. Các môn học sẽ được thiết kế theo mức độ năng lực và thành tích học tập của sinh viên. Do áp dụng chương trình đào tạo mới nên đòi hỏi giảng viên tại trường cũng phải thay đổi cách dạy theo hướng tích cực hơn, lấy người học làm trọng tâm.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, chương trình đào tạo chuẩn đầu ra chính là tiền đề cho sự phát triển của nguồn nhân lực trong tương lai. Chuẩn đầu ra của mỗi mục tiêu đào tạo phải xác định một cách rõ ràng, cụ thể, đo lường và đánh giá được năng lực người học sau khi kết thúc khóa học. Sự thay đổi chính trong phương pháp đào tạo chính là chuyển từ phương pháp lấy giáo viên làm trọng tâm sang phương pháp đào tạo lấy sinh viên làm trọng tâm.