Hơn 100 đại biểu đến từ các bộ ban ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội... đã cùng thảo luận, kêu gọi các sáng kiến và sự hợp tác nhằm tăng cường các nguồn lực tài chính trong nước để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án chung về Thúc đẩy khung tài chính tích hợp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ Dự án.
Việt Nam tích cực thúc đẩy bình đẳng giới
Trong những năm qua, Việt nam đã đạt được một số thành tựu về bình đẳng giới, đứng thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới. Tuy nhiên còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức để có thể tiến tới bình đẳng giới thực chất, bao gồm những định kiến xã hội đã ăn sâu trong tiềm thức và nhận thức của con người cũng như những hạn chế về nguồn lực.
Ngày 17/8/2022, phát biểu tại hội thảo “Tăng cường nguồn lực tài chính trong thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Thu Giang - Phó viện trưởng Viện Light nhấn mạnh: “Bình đẳng giới là một yếu tố không thể thiếu trong kế hoạch phát triển chung của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045”.
Mặc dù Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 sửa đổi đã có những thay đổi tiến bộ quan trọng khi đưa ra nguyên tắc thúc đẩy bình đẳng giới trong chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện còn nhiều thách thức.
"Trong bối cảnh các nguồn tài trợ đang giảm dần, cần phải sử dụng nguồn lực nội tại để thực hiện các mục tiêu quốc gia, các cam kết quốc tế, bao gồm cả các cam kết về bình đẳng giới. Để làm được điều đó, cần có sự phân định rõ vai trò của từng bên, cần có sự điều phối, hợp tác tốt, phát huy tiềm năng và thế mạnh của tất cả các bên liên quan" - bà Giang nhấn mạnh.
Nhiều "nút thắt" trong nguồn lực cho bình đẳng giới
TS Vũ Phương Ly - chuyên gia chương trình UN Women Việt Nam cũng chỉ rõ những thách thức trong việc thúc đẩy nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới.
Về khung luật pháp, chính sách và bộ máy, khái niệm ngân sách có trách nhiệm giới không được đề cập rõ ràng trong pháp luật, tạo thách thức đối với việc áp dụng và thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới. Khung chính sách và pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào các hoạt động cụ thể bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ thay vì lồng ghép giới vào các lĩnh vực một cách thực chất.
Đặc biệt, cơ chế và bộ máy hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới hiện nay chưa thuận lợi cho việc thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới.
Về quy trình kế hoạch và quy trình ngân sách, Việt Nam chưa có quy định về việc thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới trong xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, kế hoạch tài chính 5 năm. Không thu thập hoặc thiếu các số liệu tách biệt theo giới tính, thông tin về các vấn đề giới làm bằng chứng cho quá trình lập kế hoạch…
Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia thu nhập trung bình, nhiều nhà tài trợ đã giảm các hỗ trợ tài chính cho bình đẳng giới, việc đảm bảo và huy động nguồn tài chính trong nước là vô cùng cấp thiết.
Trong nhiều năm qua, UN Women đã vận động và giới thiệu các công cụ để đưa vấn đề bình đẳng giới vào các chính sách kế hoạch và tài chính của quốc gia trong quá trình thực hiện SDGs (các mục tiêu phát triển bền vững) để đảm bảo rằng các cam kết bình đẳng giới sẽ được thực hiện.