Nhiều sản phẩm rau, củ, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

Nguyễn Hồng Hạnh
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, hóa chất bảo quản trong rau, củ, thủy hải sản, thực phẩm tươi sống... vẫn còn nhiều, gây ra những hệ lụy nhức nhối.

Ngày 15/7, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn TP Hồ Chí Minh, đơn vị này cho biết qua công tác thanh kiểm tra, đơn vị đã ghi nhận một số sản phẩm rau, củ, quả, thủy sản có dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh…Do đó, việc lấy mẫu kiểm tra, phân tích có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm.

Chú thích ảnh Qua lấy mẫu kiểm nghiệm tại 3 chợ đầu mối, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố phát hiện nhiều mẫu rau, củ quả có tồn dư chất bảo vệ thực vật.

Theo đó, hàng năm Ban Quản lý xây dựng kế hoạch triển khai lấy mẫu giám sát để phục vụ cho công tác quản lý. Từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý đã tiến hành lấy 11.624 mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng đối với các thực phẩm có nguy cơ cao, gây mất an toàn thực phẩm. Kết quả, có 10.940 mẫu đạt (tỷ lệ 94,12 %) và 684 mẫu không đạt (tỷ lệ 5,88%).

Đánh giá tình hình an toàn thực phẩm đối với rau, củ, quả và trái cây kinh doanh tại 3 chợ chợ đầu mối nông sản thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cho biết, các sản phẩm rau, quả, trái cây kinh doanh tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm phát hiện tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng theo quy định pháp luật với tỷ lệ khá cao.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nhiều hoạt chất, trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, qua giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với 570 mẫu rau, trái cây phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên 271/570 mẫu (tỷ lệ 47,54%). Trong đó, 198 mẫu nằm trong mức giới hạn cho phép, 58 mẫu không nằm trong danh mục cho phép, 20 mẫu (tỷ lệ 3,5%) vượt mức giới hạn cho phép.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cho rằng, việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả, đặc biệt tại các tỉnh tuy có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân chưa được kiểm soát. Nhiều hoạt chất được phát hiện với hàm lượng cao nhưng chưa có quy định mức giới hạn tối đa cho phép, chưa có quy định mức giới hạn chung đối với các hoạt chất chưa có quy định đối với sản phẩm cụ thể.

Đối với thủy sản đánh bắt kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm phát hiện 2 mẫu bạch tuộc có kháng sinh Chloramphenicol và 42 mẫu mực, bạch tuộc có Cadmi vượt ngưỡng cho phép. Các sản phẩm thủy sản nuôi tuy không phát hiện kim loại nặng trong mẫu kiểm nghiệm nhưng vẫn xuất hiện mẫu sản phẩm tồn dư kháng sinh cấm sử dụng như: Chloramphenicol, Ciprofloxaci, Enrofloxacin...

Đánh giá tình hình an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cho biết, 100% mẫu không vi phạm đối với chỉ tiêu chất kích thích tăng trọng (Salbutamol); 99,38% mẫu không vi phạm đối với chỉ tiêu tồn dư kháng sinh (Sulfadimidine/Sulfamethazine) và 79% mẫu giám sát không vi phạm chỉ tiêu vi sinh (Salmonella).

“Việc lấy mẫu được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mẫu có nguy cơ không an toàn nên tỷ lệ không đạt cao và triển khai rộng trên khắp địa bàn. Đối với các mẫu không đạt, đã tiến hành xử lý theo quy định”, đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh thông tin thêm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cũng cho biết, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Tình hình sản xuất chế biến kinh doanh trái luật ngày càng tinh vi và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Sản xuất nông nghiệp tại Thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cần thực phẩm người dân, phần còn lại chủ yếu từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế, cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ....