Tổng thống Bolivia Evo Morales đã phải từ chức sau gần 14 năm cầm quyền trước sức ép của phe đối lập và lời đề nghị của các lực lượng vũ trang nước này. Nhiều nước Mỹ Latin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Morales. Ngày 10/11 (theo giờ địa phương), cảnh sát và quân đội Bolivia đã phát lệnh bắt Tổng thống nước này Evo Morales, vài tiếng sau khi ông tuyên bố từ chức.
Các đồng minh cánh tả của Tổng thống Bolivia tại Venezuela, Cuba và Nicaragua đã đồng thời lên án cái mà họ cho là một "cuộc đảo chính" ở Bolivia.
Ông Marcelo Ebrard, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mexico, nói: "Chính phủ Mexico coi các sự kiện xảy ra ngày 10/11 là "cuộc đảo chính" bởi quân đội Bolivia đã ép Tổng thống Morales từ chức, phá vỡ trật tự hiến pháp của quốc gia Nam Mỹ này".
Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng chỉ trích cảnh sát và quân đội Bolivia góp phần dẫn đến hành động từ chức của Tổng thống Bolivia Morales sau các cuộc biểu tình kéo dài 3 tuần phản đối ông Morales tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Tuyên bố nêu rõ, Chính phủ Tây Ban Nha hối thúc tất cả các bên liên quan tránh dùng bạo lực và đảm bảo an toàn cho tất cả người dân, trong đó có cựu Tổng thống Morales, người thân và các thành viên trong chính quyền của ông.
Chính phủ Peru hối thúc Bolivia nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch với sự hỗ trợ của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) và các tổ chức quốc tế. Chính phủ Colombia đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng thường trực Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp về tình hình Bolivia.
Theo tờ ejinsight, Mexico đã trao quyền tị nạn chính trị cho ông Morales ngày 11/11 và đề nghị một hành lang an toàn cho ông di chuyển từ Bolivia. Tối 11/11 (theo giờ Bolivia), ông Morales đã lên một máy bay của Chính phủ Mexico rời Bolivia.
Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết ông Morales đang bị nguy hiểm tính mạng và do đó, Mexico quyết định cấp quyền tị nạn chính trị cho vị cựu Tổng thống Bolivia này.