Bài viết "ảnh vệ tinh bão Noru" thu hút nhiều lượt tương tác trên Facebook. |
Ngày 26/9, nhiều tài khoản trên Facebook chia sẻ bài viết “Hình ảnh vệ tinh của bão Noru”, kèm loạt ảnh một cơn bão được chụp từ các trạm vũ trụ quay quanh quỹ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, đó thực chất là ảnh chụp bão Noru xuất hiện vào năm 2017, không phải cơn bão đang tiến sát đến đất liền Việt Nam.
Cụ thể, hình ảnh bão Noru năm 2017 được chụp bởi các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây là là siêu bão từng càn quét khu vực phía Bắc và Trung Nhật Bản. Sức mạnh và tốc độ di chuyển nhanh của cơn bão khiến các phi hành gia trên ISS tích cực theo dõi.
Một bức ảnh của phi hành gia Sergey Ryazansky chụp trên ISS ngày 1/8/2017 cho thấy độ lớn của bão Noru với nội dung “Siêu bão Noru đang di chuyển trên Thái Bình Dương”.
Một số người đang chia sẻ ảnh siêu bão Trami, chụp bởi phi hành gia Alexander Gerst trên ISS vào năm 2018. Ảnh: Alexander Gerst. |
Jack Fischer, phi hành gia người Mỹ, cũng không quên hướng ống kính ra phía cửa sổ, chụp lại khoảnh khắc có một không hai và khẳng định "khi Mẹ Thiên Nhiên 'nổi giận', cảnh tượng vừa tuyệt vời vừa đáng sợ".
Trong khi đó, ảnh chụp bão Noru của phi hành gia Randy Bresnik cho thấy một phần tàu vũ trụ Soyuz của Nga, được dùng để đưa phi hành gia lên ISS. Theo Business Insider, ảnh chụp góc rộng cho thấy cơn bão uốn cong theo hình cầu của Trái Đất.
Một số tài khoản khác còn đăng ảnh chụp từ ISS của Trami, siêu bão hình thành năm 2018 tại phía tây Thái Bình Dương. Ngày 25/9/2018, nhà du hành vũ trụ người Đức Alexander Gerst đăng trên Twitter hình ảnh siêu bão Trami từ ISS, miêu tả mắt bão như "ổ cắm điện" khổng lồ trên bề mặt Trái Đất.
Đó là ảnh chụp từ vũ trụ về siêu bão Noru năm 2017 và Trami, tuy nhiên khi một số trang Facebook chia sẻ, việc không chú thích thời gian khiến nhiều người nhầm tưởng đó là bão Noru đang xuất hiện trên Biển Đông.
Các bài viết thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác và chia sẻ. Trong sáng 27/9, một số tài khoản đã xóa bài viết, hoặc chỉ để lại ảnh chụp từ các vệ tinh thời tiết.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo quy tắc ở từng khu vực, trong đó danh sách tên được sử dụng xoay vòng qua các năm.
Từ năm 1950, các cơn bão ở Đại Tây Dương và nam bán cầu (Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương) được đặt tên nhưng không theo quy tắc cụ thể. Đến năm 1953, các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo tên nữ giới, sắp xếp theo bảng chữ cái.
Những bức ảnh lan truyền thực chất chụp bão Noru năm 2017. Ảnh: Sergey Ryazansky, Jack Fischer. |
Đến năm 1978, tên nam giới được bổ sung vào danh sách và xen kẽ với tên nữ giới. Ví dụ, nếu cơn bão đầu tiên trong năm bắt đầu bằng chữ A - Anne, cơn bão tiếp theo sẽ bắt đầu bằng chữ B - Bernard.
Riêng khu vực Đại Tây Dương, WMO sử dụng danh sách gồm 21 tên để đặt cho các cơn bão. Tổng cộng, 6 danh sách được sử dụng luân phiên qua các năm. Theo đó, danh sách tên bão năm 2019 sẽ được sử dụng lại vào năm 2025. Điểm đặc biệt, tên các cơn bão không bắt đầu bằng các chữ cái Q, U, X, Y hoặc Z.
Với khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (trong đó có các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam), phần lớn bão được đặt tên theo tên địa danh, động vật hoặc thực vật. Mỗi quốc gia được đặt 10 tên bão, chia thành 5 danh sách và xoay vòng theo năm.
Tên của bão có thể bị loại bỏ nếu cơn bão đó gây thiệt hại nặng về người và của. Trong các cuộc họp thường niên của WMO, những cái tên "phạm" phải điều cấm kỵ này sẽ được loại bỏ và thay thế bằng tên mới.
Theo Zing