Nhiều địa phương đẩy mạnh chi trả chế độ bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt

Nguyễn Thị Hương
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp cùng các địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 đến năm 2025.
chi-tra-bhxh-khong-tien-mat-1698722558.jpg
Cán bộ BHXH đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với việc triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, trọng tâm là việc xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là tiền đề quan trọng để BHXH Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ, giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng” ; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025: “60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.”

Để thực hiện chỉ tiêu giao, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như Ban hành Kế hoạch số 1823/KH-BHXH ngày 09/6/2020 về việc “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 đến năm 2025”.

Hằng năm, thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị cho BHXH các tỉnh, thành phố (Năm 2023 là Quyết định số 459/QĐ-BHXH ngày 23/3/2033), trong đó có đưa ra các giải pháp để BHXH các tỉnh thực hiện phát triển số người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp, lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, của Ngành; tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền; phân tích, xác định nhóm người hưởng tiềm năng; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ BHXH, TCTN,…

6 tháng đầu năm 2023 có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 1% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao (đến năm 2025, 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt). Trong đó, lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ước khoảng 43%; Chế độ BHXH một lần ước khoảng 92%; TCTN ước khoảng 98%...

Tiêu biểu trong công tác chi trả chế độ bảo hiểm xã hội không tiền mặt là tỉnh Quảng Nam.

quang-nam-bhxh-1698722481.jpg
BHXH Quảng Nam đẩy mạnh tuyên truyền người dân hưởng trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt.

Theo báo cáo của BHXH Quảng Nam, tính đến 31/12/2022, tỷ lệ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng còn thấp. Cụ thể, khoảng 50% đối với người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, 88% đối với người nhận chế độ BHXH một lần và 83% đối với người nhận trợ cấp thất nghiệp.

Theo Quyết định số 459 (ngày 23/3/2023) của BHXH Việt Nam, mục tiêu năm 2023 tối thiểu có 55% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, 82% số người nhận các chế độ BHXH một lần và 85% số người nhận trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với điều kiện và nhu cầu thiết thực của người hưởng, các sản phẩm, dịch vụ, ưu đãi của ngân hàng (nếu có)… Đặc biệt tuyên tuyền về tính ưu việt của việc nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an toàn cho người hưởng khi xảy ra các sự cố, thiên tai, dịch bệnh không thể trực tiếp nhận tiền mặt.

Giao chỉ tiêu cụ thể số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra.

UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm hướng dẫn, yêu cầu người hưởng kê khai số tài khoản ngân hàng khi lập hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hướng dẫn mở tài khoản ATM để chi trả qua tài khoản thẻ ATM, khuyến khích tối đa (100%) người hưởng phát sinh mới nhận chế độ qua tài khoản thẻ ATM.

Bưu điện Quảng Nam tăng cường tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu và các chế độ BHXH đăng ký nhận tiền qua tài khoản thẻ ATM. Đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại tiếp cận, hướng dẫn triển khai mở thẻ ATM tại các điểm chi trả hằng tháng.

Các địa phương phối hợp với ngân hàng thương mại, BHXH huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn người hưởng mở tài khoản ATM để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH...

PV