Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024 Hà Nội có tổng số 129.210 học sinh lớp 9. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT là 72.000 học sinh, các trường ở khu vực nội thành tuyển dao động từ 600-700 học sinh, chỉ tiêu ở các trường ngoại thành khoảng 400-500 học sinh.
Theo chỉ tiêu này, chỉ khoảng 55,7% học sinh có chỗ học lớp 10 THPT công lập. Sở GD-ĐT Hà Nội ước tính khoảng 30.000 học sinh khác sẽ vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), số còn lại sẽ được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay, số lượng thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Điều này càng khiến cuộc thi tuyển sinh vào lớp 10 đã nóng lại càng nóng hơn nữa.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, hiện số lượng các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu của thí sinh vào lớp 10. Trong khi đó số lượng thí sinh tốt nghiệp lớp 9 lại rất cao, điều này càng khiến cuộc đua tuyển sinh đầu cấp thêm “nóng”.
Không ít phụ huynh cho rằng, tình trạng chỉ tiêu tuyển sinh thấp do áp lực trường lớp đang khiến hàng chục ngàn học sinh có nguy cơ “trượt” cửa vào trường công.
Anh Nguyễn Hải Phong (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Hà Nội nói rất nhiều về việc thiếu trường lớp. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu không đỗ trường công lập có thể cho con học tại các trường tư thục. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện, đủ khả năng kinh tế để chi trả mức học phí đắt đỏ tại các trường tư. Nhiều quận huyện kêu khó vì thiếu đất xây trường, nhưng các dự án chung cư vẫn mọc lên như nấm, người dân từ khắp nơi đổ về cư trú, làm ăn, nhưng trường học lại không xây thêm”.
Chị Hoàng Thanh Dung (Đống Đa, Hà Nội) cũng băn khoăn rằng, Hà Nội có không ít dự án bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí, trong khi đó trường học lại thiếu. Có 2 con học cấp THPT và tiểu học, chị Dung cho rằng, áp lực trường lớp không phải vấn đề của riêng cấp học nào.
"Sĩ số theo quy định của Bộ GD- ĐT là một chuyện, nhưng thực tế tại các lớp học cao hơn rất nhiều. Sĩ số lớp học đông không chỉ khiến không gian học tập chật chội, mà thầy cô cũng khó có thể sát sao đến từng học sinh. Liệu chất lượng giáo dục có được đảm bảo”, chị Dung lo ngại.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, tình trạng quá tải trường lớp tại Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân. Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, không chỉ về mặt tự nhiên mà còn tăng nhanh do nhập cư. Trong khi đó, số lượng trường lớp lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập. Hàng loạt các dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tương xứng.
"Một áp lực khác đến từ chính những mong cầu của phụ huynh, khi mong muốn con có thể vào các trường THPT công lập tốt, các trường chất lượng cao, trường chuyên lớp chọn. Tâm lý này cũng làm gia tăng áp lực tuyển sinh. Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác năm nào cũng rất căng thẳng. Bố mẹ nào cũng hy vọng con có thể vào được THPT để rộng đường vào đại học, bởi vậy cuộc đua vào lớp 10 càng quyết liệt hơn nữa”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ phân tích.
Hà Nội cần chỉ đạo sát sao việc xây thêm trường
Để giải sức nóng cho các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, giảm tải áp lực về thiếu trường lớp, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung cần đẩy mạnh rà soát, xác định rõ các quận huyện đang thiếu trường lớp. Đặc biệt cần kiên quyết xử lý những đơn vị, chủ đầu tư xây dựng chung cư, khu đô thị cố tình né tránh, không xây dựng đủ trường học theo đúng quy hoạch phê duyệt ban đầu.
“Nếu để xảy ra tình trạng quá tải trường lớp do mất cân bằng quy hoạch cần quy rõ trách nhiệm cho địa phương. Các dự án xây dựng chung cư nếu không có các thiết chế xã hội đi kèm thì cần kiên quyết đình chỉ, buộc dừng lại. Ở ta vẫn nói nhiều khẩu hiệu “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, song sự đầu tư đó chưa thực sự tương xứng. Thậm chí có thể chưa cần sân vận động, nhà hát, nhưng xây trường cần được ưu tiên trước tiên. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì lợi ích lâu dài, không thể vì những nguồn lợi trước mắt mà bỏ qua những giá trị bền vững”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo nguyên Hiệu Trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bên cạnh việc phát triển hệ thống trường công, các địa phương cũng cần có chính sách thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị đủ điều kiện được mở trường. Nhà nước cần có cơ chế để cả doanh nghiệp, xã hội và phụ huynh cùng có lợi./.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, các công trình về nhà ở, phúc lợi, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, các thiết chế giáo dục, y tế luôn phải quy hoạch đồng bộ, nếu không đảm bảo sự đồng bộ sẽ giống như vỡ trận. Với giáo dục, sự phát triển dân số là điều bình thường và có thể tính toán được, nhưng trong quy hoạch và đầu tư phát triển nhà ở dường như tách rời với sự phát triển của các cơ sở giáo dục, y tế, hoặc có nhưng vẫn quá chậm.
Điều đáng nói hiện nay là các quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, tốc độ, tiến độ phát triển của các tòa chung cư và các thiết chế giáo dục, y tế chưa tương xứng, còn “độ vênh” nhất định gây thiếu hụt trường lớp tại nhiều khu vực. Thậm chí có trường hợp khi điều chỉnh quy hoạch, các công trình về giáo dục còn bị thay đổi về vị trí, hoặc bị “lấn ép” bởi những công trình khác. Tình trạng phụ huynh phải bốc thăm để giành xuất học cho con tại trường mầm non công lập diễn ra trong thời gian qua tại Hà Nội là một sự cảnh báo mạnh mẽ đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc quản lý quy hoạch đô thị. Công tác giám sát, việc thực hiện quy hoạch cũng cần có sự chỉ đạo thông nhất, đảm bảo đúng nguyên tắc trong kế hoạch được phê duyệt ban đầu.