Nhà ở xã hội – "Giấc mơ" an cư của công nhân, người thu nhập thấp

Nguyễn Diệp Linh
Vấn đề nhà ở đang là nhu cầu bức thiết nhất đối với người lao động. Thực tế còn số lượng lớn công nhân, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhà ở, trong khi số lượng nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân còn thấp so với nhu cầu.

Hiện nay đang có hàng triệu lao động nhập cư ở các thành phố lớn có nhu cầu về nhà ở. Nhưng hầu hết trong số họ, mong muốn sở hữu một căn nhà là quá xa xôi. Nguyên nhân chính bởi giá nhà ở thành phố đắt đỏ, phần lớn tập trung ở phân khúc cao cấp. Các dự án nhà ở xã hội có mức giá mềm hơn còn quá ít và khó tiếp cận. Theo thống kê có 3,78 triệu công nhân, người lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Chị N.T.V.A (quê Đắk Nông), làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hơn 10 năm nay cho biết, hiện gia đình chị vẫn đang sống trong căn nhà thuê của dân rộng khoảng 30m2, có giá 4 triệu đồng/tháng.

“Tiền lương chỉ đủ trả tiền thuê nhà, ăn uống và đóng tiền học cho con. Hơn 10 năm làm lụng vất vả, gia đình tôi không có nhiều tiền tiết kiệm. Nếu được thuê nhà ở dành cho công nhân trong khu công nghiệp đang làm, tôi nghĩ gia đình mình không chỉ được sống trong khu nhà bảo đảm an toàn, không gian sống sạch sẽ, mà sẽ còn tiết kiệm được ít tiền phòng lúc bệnh tật ốm đau” - chị N.T.V.A bày tỏ.

khu-nha-o-xa-hoi-giai-doan-2-dang-xa-gia-lam-ha-noi-anh-dai-bieu-nhan-dan-1667272536.jpegKhu nhà ở xã hội giai đoạn 2 Đặng Xá – Gia Lâm – Hà Nội. (Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân)

Thấu hiểu vấn đề nhà ở là ước mong chính đáng của công nhân, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có kiến nghị gửi Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Từ thực tế này, để giảm bớt khó khăn về nhà ở cho công nhân, Chính phủ đã thực hiện nhiều dự án Nhà ở xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, bố trí nguồn vốn ưu đãi và đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở. Cụ thể như, các dự án Nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...

nha-o-xa-hoi-danh-cho-cong-nhan-tai-khu-cong-nghiep-thang-long-huyen-dong-anh-anh-pham-hung-1667272565.jpegNhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. (Ảnh: Phạm Hùng)
 

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phân tích: “Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trước hết là thiếu nguồn vốn, nhất là khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, nguồn vốn dành cho phát triển Nhà ở xã hội càng hạn chế. Sau đó là thiếu quỹ đất, do việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch còn chậm. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục dẫn đến thời gian hoàn thành công việc bị kéo dài”.

Vì vậy, để giải quyết những khó khăn, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; cho phép tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng biệt triển khai trước hoặc đồng hành với dự án xây dựng thiết chế Công đoàn.

nha-o-xa-hoi-danh-cho-cong-nhan-anh-pham-hung-1667272586.jpegNhà ở xã hội dành cho công nhân. (Ảnh: Phạm Hùng).
 

Cùng với đó, chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch cụ thể tại các dự án nhà ở cho công nhân. Ngân hàng Nhà nước xem xét cho vay ưu đãi dự án nhà ở công nhân theo hướng trong một dự án có cả hai đối tượng cùng được vay ưu đãi: Chủ đầu tư và người mua/thuê nhà ở. Ngoài ra, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong xây dựng nhà ở cho công nhân.

Mới đây, trong Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra vào ngày 1/8 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Đây có lẽ là tin vui của nhiều công nhân, người lao động và người có thu nhập thấp bởi trong tương lai, họ có thể chạm đến được ước mơ về một ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp”!

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.

Trong điều kiện nguồn lực của chúng ta còn có hạn thì đây là một sự nỗ lực rất lớn để giúp công nhân, người lao động nghèo tiếp cận được với nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn cho rằng, với kết quả này, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Do đó, việc phát triển nhà ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Đạt Hùng