Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành, phần lớn người lao động ngoại tỉnh hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đa số ở trọ. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại các nhà trọ còn nhiều khó khăn, ẩm thấp, diện tích nhỏ, chật hẹp ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và sự phát triển thể chất của con công nhân lao động.
Chị Đỗ Thị Hoa, một nữ công nhân đang thuê trọ tại xã Kim Chung, Đông Anh mong muốn, các cấp ngành có chính sách hỗ trợ về giá mua nhà cũng như sớm xây dựng nhiều khu nhà trọ, khu nhà cho công nhân với các thiết chế đi kèm như trường học, nhà trẻ, sân chơi… để những công nhân như chị có thể đưa các con đến ở cùng và học tại đó.
Theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có khoảng 326.000 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động; trong đó có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, 165.000 lao động, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 60%). Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất-Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, phần lớn công nhân lao động phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, thiếu thốn các điều kiện, mức giá thuê trọ cao đã tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho rằng, hiện nay vấn đề nhà ở cho công nhân đang là vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết. Việc phát triển thiết chế công đoàn gồm tổ hợp công trình phục vụ người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng... trên địa bàn Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, việc triển khai còn chậm do thiếu quỹ đất hoặc vướng mắc nhiều thủ tục.
Mặt khác, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, bởi tiêu chí để ở nhà ở xã hội rất khắt khe, mức thu nhập của công nhân còn thấp nên không thể thuê, mua được nhà ở xã hội.
Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư, làm ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng.
Vì vậy, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà đầu tư, các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định áp dụng riêng cho các dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tương tự, tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi tập trung đông lao động ngoại tỉnh đến sinh sống, làm việc, CNLĐ bày tỏ mong muốn, để người lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ, Nhà nước và các cơ quan có liên quan cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về hỗ trợ vay vốn thuê, mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp, hoặc không lãi suất đối với những người đủ điều kiện mua nhà. Hiện, các nguồn thông tin về nhà ở xã hội không được phổ biến rộng rãi, có quá ít kênh để người lao động tham khảo, đăng ký mua. Bên cạnh đó, người lao động cũng đề nghị cần mở rộng thêm nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, như: Người lao động có sự gắn bó lâu dài, có thành tích cống hiến trong lao động sản xuất, có sáng kiến cải tiến tốt…
Trao đổi về vấn đề nhà ở cho công nhân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Nhu cầu nhà ở của CNLĐ rất lớn, nhất là hiện nay khi tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện được 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu m2. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. “Đây là một hạn chế trong thời gian qua vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra của chương trình phát triển nhà ở cho công nhân”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận.
Để thúc đẩy “nguồn cung” nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư. Bộ Xây dựng cũng đã sửa đổi và ban hành Thông tư 39 về trình tự lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và nhiều chính sách liên quan đến thủ tục hành chính… trong đó chú trọng mục tiêu: Làm sao dành được quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân. Theo các quy định hiện nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tại khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất của khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo dành rất nhiều ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, được miễn và giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% quỹ nhà thương mại trong các dự án nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng được các địa phương tùy theo tình hình sẽ hỗ trợ một phần các hạ tầng, kỹ thuật, cũng như hạ tầng xã hội trong các dự án này…
Bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện dự án về thiết chế Công đoàn. Theo đó, chú trọng đầu tư dự án nhà ở đi liền với trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các siêu thị… để phục vụ công nhân tốt hơn.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chương trình với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, trong đó có nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cụ thể, sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng. Đồng thời sẽ triển khai gói hỗ trợ giúp người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ đồng, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất là 4,8%/năm….
“Với nhóm chính sách này, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chúng tôi tin trong thời gian tới, vấn đề nhà ở cho công nhân ngày càng được cải thiện.”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.