Nguyên trụ trì chùa Phước Quang đăng ký hiến tạng sau khi viên tịch

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Với hạnh nguyện “Cho đi là còn mãi”, sống an nhiên giúp đời, giúp người khi còn trên đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay nhưng một phần cơ thể của mình sẽ tiếp tục được sống và mang lại sự sống cho người khác, vừa qua thầy Dhammananda Thích Phước Ngọc (Phạm Văn Cung) nguyên trụ trì chùa Phước Quang đã đăng ký hiến tạng sau khi viên tịch.

Trong những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có cơ duyên được biết Đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc - Chủ tịch Trung tâm Phát triển trẻ em Isuru Sevana của Sri Lanka, nguyên trụ trì chùa Phước Quang, nguyên giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương tỉnh Vĩnh Long.

thay-ngoc-chup-anh-cung-can-bo-trung-tam-hien-mo-tang
Đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia

Chia sẻ về quyết định hiến tạng sau khi viên tịch, thầy Phước Ngọc tâm sự: “Khẩu hiệu hoạt động của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia rất hay “cho đi là còn mãi”. Cái “còn” ở đây theo quan điểm của Phật giáo thuộc về sự tiếp nối theo luật nhân quả. Hành động “cho đi” khởi từ nhân lành, thì sự “còn mãi” là thành quả ý nghĩa có được. Vì thế, khi còn sống làm được điều tốt đẹp cho người khác là điều nên làm. Dù khi cơ thể đã chết hay là chết não mà vẫn có thể giúp được những người khác đang lâm nguy vì bạo bệnh thì ấy là điều trân quý”.

Thầy Phước Ngọc chia sẻ thêm, khoa học ngày càng tiến bộ, chúng ta nên nhìn vào hiện thực thay vì những quan điểm tâm linh “chết phải toàn thây” như nhiều người lầm tưởng. Chắc hẳn là người Việt Nam, câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc năm 2018 đã lan tỏa khiến mọi người hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tạng. Sau sự việc này, số người đăng ký hiến mô tạng ở Việt Nam tăng mạnh. Do vậy, “tôi mong rằng việc hiến mô, tạng của mình có thể trở thành niềm vui, hạnh phúc của nhiều gia đình khác. Sự ra đi của một người không phải là trở về với cát bụi, hư vô mà là hành trình hồi sinh của sự sống”, thầy Phước Ngọc nói.

Thay-ngoc-khi-con-o-trung-tam-suoi-nguon-tinh-thuong -
Thầy Thích Phước Ngọc khi còn là giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương - cô nhi viện đầu tiên của Phật giáo Việt Nam

Nhắc tới hành trình “hồi sinh sự sống”, chúng tôi lại nhớ tới Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương do chính thầy Thích Phước Ngọc cùng những người con Phật đã sáng lập từ năm 2008. Mỗi trẻ ở đây là mỗi hoàn cảnh, mỗi thể trạng sức khỏe và mỗi ký ức bất hạnh khác nhau... Chính vì vậy, với nỗi lo đau đáu trong lòng, trên tinh thần dấn thân cứu khổ ban vui, bên cạnh việc lo lắng về điều kiện vật chất, đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc luôn trăn trở, tìm kiếm, học tập những phương pháp để nuôi dưỡng các em làm sao không chỉ hình thành một đời sống tâm linh, nhân cách tốt đẹp theo tinh thần của Phật giáo mà còn phải phát triển tốt về thể chất, trí tuệ.

Đặc biệt, không chỉ là nơi nuôi dạy các trẻ, Cô nhi viện “Suối nguồn tình thương” có thể là nơi hy vọng để các em có thể chờ ngày những bậc sinh thành nhận lại “núm ruột” của mình, mong các em có thể hồi sinh cuộc sống từ tình yêu thương của gia đình và cộng đồng.

Thay-ngoc-khi-con-o-trung-tam-suoi-nguon-tinh-thuong

Mặc dù đầy tâm huyết, nhưng đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc liên tục gặp những vấn đề về sức khỏe do chuỗi dài những năm tháng hành trình phụng sự không mệt mỏi trong và ngoài nước, cũng với tâm không vướng mắc vào những gì mình đã làm cho cuộc đời và đạo pháp, tháng 11/2019 thầy Phước Ngọc đã gửi đơn thỉnh nguyện xin từ nhiệm chức vụ trụ trì chùa Phước Quang và được Giáo hội tỉnh hoan hỷ thuận đơn. Và cũng căn cứ trên đơn xin thể hiện nguyện vọng nghỉ tham gia sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Thầy, ngày 17/8/2020, Giáo hội Phật giáo Vĩnh Long thống nhất chấp thuận cho thỉnh nguyện tự nguyện này của thầy Thích Phước Ngọc.

Theo thời gian với điều kiện sức khỏe hạn chế, nhưng ngọn lửa nhiệt tâm duy trì lý tưởng hướng thiện, phụng sự cho xã hội, và đạo pháp của mình, cùng với những nhân duyên mới như một sứ mệnh mới, thầy Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc đã tiếp tục với những cơ duyên và định hướng những dự định trong tương lai.

"Sống trên đời không ai biết trước được điều gì, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ tính trong từng sát na nên khi còn cơ hội, chúng ta hãy tiếp tục thực hành những Thiện nghiệp khi có thể, như đăng ký hiến mô, tạng của mình để khi giã từ cõi tạm, cơ thể ta có thể giúp ích được gì cho những tha nhân hữu duyên của kiếp con người và cho khoa học” - thầy Thích Phước Ngọc chia sẻ.

Hiến tạng và thủ tục hiến tạng:

- Người hiến đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự là có thể đăng ký. Bạn chỉ cần điền vào mẫu văn bản tình nguyện hiến tặng thân xác, và cùng người làm chứng như người thân trong gia đình ký tên.

- Hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước đều có thể tiếp nhận đơn đăng ký hiến tạng. Người có nguyện vọng hiến tạng nhưng có thắc mắc có thể liên hệ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (http://moh.gov.vn) hoặc đơn vị điều phối tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM)... để được giải đáp, tư vấn.

- Những người cao tuổi cũng có thể hiến một phần mô, tạng như gan, thận, giác mạc… sau khi chết, chết não. Đừng bao giờ nghĩ mình quá già, không thể đăng ký hiến tạng.

- Việc hiến xác hay nội tạng dựa trên tinh thần tự nguyện, nên sẽ không có chế độ bồi dưỡng cụ thể nào bằng tiền hoặc hiện vật. Đơn xin hiến tạng không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Người đã đăng ký hiến có thể thay đổi quyết định bất kỳ lúc nào.

- Một người chết não có thể cứu sống hàng chục người khác. Có hơn 18 cơ quan trong cơ thể có thể được sử dụng để cấy ghép, cứu người như tim, gan, thận, phổi…

- Trước khi thực hiện lấy nội tạng để cấy ghép, đội ngũ bác sĩ sẽ phải thực hiện các bước kiểm tra nghiêm ngặt tình trạng cơ thể người hiến. Người mắc các bệnh như HIV, viêm gan, lao... không đủ điều kiện để tham gia hiến tạng.

- Việc hiến tặng phải được thực hiện ngay khi sau người hiến qua đời do tai nạn, chết não. Hầu hết các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim… đều chỉ bảo quản được từ vài giờ, đến không quá một ngày.

- Có thể hiến tạng khi còn sống, gồm hiến thận hoặc một phần gan mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Người hiến tạng khi còn sống sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ hoàn toàn miễn phí.

- Hiến và ghép tạng không nhằm mục đích thương mại. Việc mua bán nội tạng như gan, thận… là hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam và quốc tế

Thu Trang