Nguồn cung xăng, dầu đến cuối năm vẫn ổn định

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Mới đây, tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 7 tại trụ sở Bộ Công thương, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định ngoài đơn vị này, các doanh nghiệp khác cũng đang tích cực tìm những nhà cung cấp quốc tế để đa dạng hóa nguồn hàng cho mọi tình huống xảy ra. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng, dầu từ nay đến cuối năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
z3278213372222162b3f6e948c6019e270aabf2bae7361-16591957454731300951097-1659246760.jpg
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định, ngoài Petrolimex, các doanh nghiệp khác đang tích cực tìm những nhà cung cấp quốc tế để đa dạng hóa nguồn hàng cho mọi tình huống xảy ra - Ảnh: VGP/NB

Do ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraina, thị trường dầu khí biến động lớn và liên tục đảo chiều làm gián đoạn nguồn cung, khiến giá dầu thô tăng mạnh lên mức chưa từng có trong 14 năm trở lại đây; trong đó đỉnh điểm là giai đoạn cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 khi giá dầu vượt mốc 130 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 bất chấp xu thế chuyển đổi xăng dầu sang điện trong giao thông.

Nhu cầu xăng dầu trong khu vực cũng tăng trở lại do hồi phục sau COVID-19, nguồn cung xăng dầu thành phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu dẫn đến thiếu hụt và đẩy giá sản phẩm tăng mạnh. Thị trường thế giới giao dịch bất thường đã khiến mức chênh giữa giá sản phẩm và giá dầu thô trong một số phiên bị đẩy lên rất cao.

Ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trở lại, trong khi các nhà máy lọc dầu trong nước hoạt động thiếu ổn định khiến công tác tạo nguồn, điều hành tồn kho gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung khan hiếm, chi phí thực tế tăng cao nhưng chưa được phản ánh kịp thời vào giá bán.

Các thời điểm biên độ giá tăng lớn, một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu hạn chế bán hàng đã tạo ra áp lực lớn cho các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex.

Dù vậy, Petrolimex vẫn duy trì bán xăng dầu 24/7. Trong thời điểm căng thẳng nhất trong quý I.2022, lượng xăng dầu cung ứng cho thị trường của Petrolimex chiếm tới khoảng 70-75% nhu cầu tiêu thụ của cả nước - đồng nghĩa với việc đơn vị này phải chấp nhận chịu thiệt do giá xăng dầu tạo nguồn cao hơn giá được Nhà nước công bố bán ra thị trường với độ trễ bình quân là 10 ngày (riêng chu kỳ sau Tết âm lịch độ trễ là 21 ngày, chu kỳ đầu tháng 6.2022 độ trễ là 13 ngày)…

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận định, thị trường xăng dầu thời gian tới còn biến động rất phức tạp và có nhiều thông tin tác động trực tiếp đến nguồn cung, giá cả… Petrolimex đã mời một số nhà cung cấp nước ngoài để cung cấp xăng dầu cho Tập đoàn từ giờ đến cuối năm, song không có nhà cung cấp nào dám khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ lượng mà Petrolimex yêu cầu.

Mặc dù thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều vấn đề khó đoán, song ông Trần Ngọc Năm cũng khẳng định, về cơ bản, nguồn cung sẽ ổn.

"Đến giai đoạn này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động với 110% công suất, tính ổn định cao. Nhà máy Nghi Sơn cũng dần chuyển sang trạng thái hoạt động tương đối ổn. Đây là cơ hội để các nhà máy đạt được kết quả tốt khi chi phí lọc dầu đang cao, góp phần giúp chủ động ổn định nguồn. Bên cạnh đó, ngoài Petrolimex, các doanh nghiệp khác cũng đang tích cực tìm những nhà cung cấp quốc tế để đa dạng hóa nguồn hàng cho mọi tình huống xảy ra. Do vậy, việc đảm bảo nguồn từ nay đến cuối năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát", ông Năm thông tin.

MP