'Người Xứ Thanh cần sẻ chia nhiều hơn những giọt máu hồng'

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Bác sỹ Nguyễn Huy Thạch – Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Tỷ lệ người tham gia hiến máu theo tỷ lệ dân số của Thanh Hóa còn quá thấp, khoảng 0,7%, trong khi tỷ lệ bình quân chung của cả nước đã là trên 1,6%. Người Xứ Thanh cần sẻ chia nhiều hơn những giọt máu hồng”.

Thực trạng về công tác hiến máu tình nguyện tại Thanh Hóa

“Hiến máu tình nguyện” - một cụm từ vô cùng thân thương và quen thuộc với những người làm công tác chữ thập đỏ (CTĐ) và các tình nguyện viên CTĐ tại tỉnh Thanh Hóa, trong cả nước và trên toàn thế giới. Nhưng với cộng đồng, có nhiều người còn lạ lẫm, còn cảm thấy xa vời bởi lẽ họ chưa hiểu về hiến máu tình nguyện (HMTN), cũng chưa bao giờ hiến máu, thậm chí chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đi hiến máu. Vậy để có đủ lượng máu cung cấp cho các bệnh viện phục vụ công tác cứu chữa người bệnh, tỉnh Thanh Hóa đã làm gì? 

IMG_5304
Các tình nguyện viên Thanh Hóa tham gia HMTN

Tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều giải pháp đã được thực hiện và công tác vận động hiến máu tình nguyện vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu. Ban chỉ đạo HMTN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức những “Ngày hội”, “Lễ phát động”, nhiều ngày “Giọt hồng”, tham gia các đợt “Hành trình đỏ” để vận động và huy động tất cả các cấp, các ngành, các trường, các địa phương… cùng vào cuộc.

Số người hiến máu ngày càng tăng thể hiện công tác tuyên truyền, vận động ngày càng phát huy hiệu quả, cộng đồng đang dần hiểu và tích cực hiến máu tình nguyện. Vì vậy, chỉ tiêu mà hàng năm Ban chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Thanh Hóa được giao năm sau luôn cao hơn năm trước và luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Tuy nhiên, lượng máu thu được từ các đợt HMTN vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Hiện tại,  Thanh Hóa đã có 3 điểm hiến máu cố định: Tại Trung tâm huyết học truyền máu 24/7; chùa Đại Bi (TP.Thanh Hóa) vào ngày rằm và mùng một âm lịch hàng tháng; tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa vào sáng thứ 4 hàng tuần. Tuy nhiên, lượng máu thu về cũng rất hạn chế.

Với tỷ lệ 0,7% dân số tham gia hiến máu, tỉnh Thanh Hóa vẫn thiếu rất nhiều máu. Và thêm một điều bác sĩ Nguyễn Huy Thạch -  Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và lo lắng: “Hiện nay, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang có 150 bệnh nhân là công dân tỉnh Thanh Hóa đang điều trị bệnh máu mãn tính (Thalassemia và Hemophilia). Nếu Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh Thanh Hóa nhận tất cả 150 bệnh nhân này về điều trị thì không biết xoay sở thế nào để đủ lượng máu. Hiện mới có 50 bệnh nhân về Trung tâm điều trị?”.

"Hiến máu không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" 

"Đó là câu trả lời của tất cả các bác sĩ khi chúng ta hỏi về ảnh hưởng của việc hiến máu đối với sức khỏe con người. Hiến máu không có hại cho sức khỏe đối với người không có bệnh tật và khỏe mạnh, thậm chí còn có tác dụng tốt, kích thích tủy xương tăng cường sinh sản ra máu mới. Đặc biệt, các tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu chỉ có tuổi thọ trung bình 80 đến 120 ngày. Nếu ta không hiến máu thì các tế bào ấy cũng sẽ già nua và chết đi. Mặt khác, tham gia HMTN, chúng ta cũng được khám và tư vấn sức khỏe, làm các xét nghiệm về máu hoàn toàn miễn phí", Bác sỹ Nguyễn Huy Thạch chia sẻ.

IMG_2874
Một ngày hội HMTN ở Thanh Hóa         

Bác sỹ Nguyễn Huy Thạch đặt vấn đề: Vậy tại sao phần lớn dân số Thanh Hóa lại chưa sẵn sàng tham gia hiến máu? Trong khi có những người dân làm nhiều công việc khác nhau đã tình nguyện hiến máu đến 80 lần, 78 lần, 62 lần… cứu được rất nhiều người qua cơn nguy kịch và “truyền lửa” cho cộng đồng cùng tham gia HMTN.

Phải chăng, phần lớn người dân Thanh Hóa chưa nhận thức đúng về HMTN? Chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về HMTN nhiều hơn nữa, sâu rộng hơn nữa, truyền đi những thông điệp mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn?

Khi các bệnh viện thiếu máu, công tác cứu người gặp muôn vàn khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Huy Thạch chia sẻ: “Có những trường hợp hết máu cấp cứu, Bệnh viện phải lấy máu của người thân. Tuy nhiên, việc này không an toàn vì máu đó rất nguy hiểm do chưa qua đủ các bước sàng lọc, sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu”.

Vì vậy, theo bác sĩ Thạch: "Việc có đủ lượng máu sử dụng cho các bệnh viện là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta hãy cùng bạn bè, người thân tham gia các chương trình HMTN tại địa phương hoặc đến điểm hiến máu cố định gần nhất để hiến máu. Hãy cùng hiến máu để chấm dứt tình trạng thiếu máu cứu người vì “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, “Máu cứu người ở ngay trong trái tim mỗi chúng ta” …".

Tâm Ánh