“Người truyền lửa” cho các thế hệ người mù tỉnh Thanh Hoá

Tấm Thanh Hóa
Năm nay, cụ Nguyễn Văn Tý, hội viên Hội người mù tỉnh Thanh Hóa đã ở tuổi 82, không còn khỏe để tham gia giảng dạy, cũng không thể đi bán tăm hay đánh tẩm quất dạo được nữa. Cụ Tý sống yên bình cùng các cháu nội của mẹ kết nghĩa - người đã nuôi nấng, cưu mang cụ năm nào tại phường Trường Thi (Thành phố Thanh Hóa).

Do sinh ra đã bị mù, cụ Tý bị gia đình bỏ rơi và được nuôi dưỡng trong Nhà Chung (tại nhà thờ Thanh Hóa). Sau này, cụ về ở với mẹ kết nghĩa. Mẹ kết nghĩa mất, cụ ở cùng các con của bà. Giờ các con bà không còn, cụ Tý ở cùng các cháu nội. Cụ Tý là người đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đưa nghề tẩm quất cổ truyền vào dạy cho người mù, giúp các thế hệ người mù tỉnh Thanh có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nhắc đến “cái duyên” với nghề, cụ Tý từ tốn nói: “Ngày ấy, tôi cũng không nhớ mình bao nhiêu tuổi, ước chừng mười mấy thôi. Tôi lấy ăn xin làm nghề để sống. Trong những ngày lang thang, mò mẫm kiếm ăn trên đường phố, tôi vô tình gặp một ông người Việt lai Tàu tên là Yến. Ông ấy hỏi và biết tôi đi ăn xin qua ngày nên đã dạy tôi nghề tẩm quất. Ông dạy tôi rất cẩn thận, cùng tôi đi tẩm quất dạo mỗi đêm. Khi tôi thành thục rồi mới thả tôi đi một mình. Và rồi, tuổi trẻ của tôi gắn liền với chiếc gậy dò đường, với những bước thấp bước cao và tiếng rao tẩm quất dạo không kể đêm hè hay đêm đông”.

Dù đã có cái nghề nhưng cuộc sống thời bấy giờ với người lành cũng chẳng dễ dàng gì, với người mù như cụ Tý thì khó khăn tăng lên gấp vạn. Có bữa đi đánh tẩm quất chẳng có khách, có bữa có khách mà họ lại lừa cụ, chỉ trả một phần tiền vì biết cụ không nhìn thấy. Cũng có đêm đi lạc đường, gần sáng chẳng về tới chỗ ngủ, ngoài đường cũng chẳng gặp ai để hỏi thăm, cơ cực không thể nói hết bằng lời. Nhưng cụ (lúc ấy đang tuổi thanh niên) vẫn vượt qua mà sống, vẫn mang theo tiếng rao hàng đêm đi khắp thành phố, dò dẫm kiếm ăn. Hết thời chiến rồi đến thời bình, cụ Tý vẫn giữ nghề tẩm quất dạo.

Cuộc sống vẫn cứ thế trôi qua, nhưng cuộc đời của cụ Tý đã có một bước ngoặt. Bước ngoặt này không làm cho cụ trở nên giàu có, cũng không làm cho mắt cụ sáng trở lại, nhưng nó đã thay đổi cuộc đời cụ, cho cụ một cơ hội để được cống hiến, để được giúp đỡ những người đồng tật tại quê hương mình. Năm 1994, một số hội viên Hội người mù thành phố Thanh Hóa đã đến gặp cụ Tý, tha thiết đề nghị cụ đến dạy nghề tẩm quất cho các hội viên, lấy đó làm một nghề giúp cho nhiều người mù kiếm sống. Cụ Tý ban đầu cũng lưỡng lự, vì thấy mình hành nghề đã bao năm, đêm nào khá thì được 2 khách, có đêm tay trắng, cụ nghĩ nghề tẩm quất chắc cũng chả giúp cho cuộc sống của người mù bớt khổ.

image0-21-1666632240.jpeg
Cụ Nguyễn Văn Tý (người không đeo kính) trò chuyện cùng học trò Trần Mạnh Cường

Ông Trần Mạnh Cường, Chủ tịch Hội người mù thành phố Thanh Hóa, cũng là một trong ba học trò khóa đầu tiên của cụ Tý chia sẻ: “Thầy tôi đã dạy chúng tôi rất tỉ mỉ. Thầy dạy chúng tôi tất cả các kỹ năng mà thầy biết, dạy chúng tôi cả cách đi đường ra sao để tránh xe, tránh va đập; như thế nào là đi qua ngã ba, ngã tư... Khóa đầu tiên thầy truyền nghề cho ba người, trong đó có tôi. Thời gian sau đó, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng mở các cơ sở tẩm quất của Hội người mù. Việc mở cơ sở nhằm mục đích để người mù không phải dò dẫm đi tẩm quất dạo nữa, rất không an toàn và mệt mỏi. Tại các cơ sở tẩm quất của Hội có cán bộ sáng làm nhiệm vụ thu phí, người mù đánh tẩm quất, ai vào việc đó sẽ hiệu quả hơn. Ban đầu có nhiều khó khăn do xã hội chưa đánh giá đúng về nghề tẩm quất, cũng chưa nhìn nhận sự cố gắng lao động của những người mù. Tuy nhiên, thời gian đó đã qua đi, hiện nay, tẩm quất chính là nghề mũi nhọn của người mù, đem lại cho Hội doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều người mù với thu nhập ổn định, đảm bảo cho người mù có mức sống gần bằng với mức sống của người dân trên địa bàn mà người mù sinh sống, cá biệt có những người mù đã vươn lên, đầu tư mở cơ sở tẩm quất riêng, tạo việc làm cho chính mình và các bạn đồng tật”.

Từ ngày truyền nghề tẩm quất cho các hội viên Hội người mù, cụ Tý cũng vào sinh hoạt Hội. Cụ đã nhiệt tình dạy nghề cho hàng trăm học trò. Ngày cụ đi bán tăm do Hội sản xuất ra, tối lại cùng đánh tẩm quất cho khách tại cơ sở của Hội. Cho đến khi 70 tuổi (năm 2010), cụ Tý mới xin nghỉ việc để về an hưởng tuổi già.

Cụ Tý không lấy vợ, cuộc sống của cụ vẫn gắn liền với gian nhà kho giản dị cùng các cháu nội của người mẹ kết nghĩa. Niềm vui của cuộc đời cụ chính là đã truyền được nghề cho những người đồng tật, càng vui hơn khi Hội người mù thành phố Thanh Hóa đã sáng tạo, phát huy tốt nghề tẩm quất cổ truyền, tạo cho người mù nhiều cơ hội phát triển, vươn lên hòa nhập với cộng đồng, được xã hội công nhận. Cụ Tý vẫn luôn dặn các học trò: “Hãy cố gắng luyện tập để giữ lấy nghề. Nghề này với người mù quý lắm, để dành cho những thế hệ người mù sau. Phải truyền nghề cho họ, giống như “truyền lửa” ấy. Với nhiều người mù, có thể cái nghề này sẽ cho họ một cuộc sống hạnh phúc”.

Khi được hỏi về mong muốn hiện tại, cụ Tý móm mém cười rồi nói: Tôi già rồi, giờ chỉ muốn có cái đài để nghe thôi, cái đài cũ hỏng rồi”. Ước muốn giản đơn của “sư phụ Tý” được học trò Trần Mạnh Cường đáp ứng bằng một lời hẹn chắc như đinh đóng cột: “Chậm nhất là chiều mai con sẽ đem cái đài mới đến tặng sư phụ”. Cụ Tý nghe được liền gật đầu, biết khách về nên cụ đưa tay lên tìm tay học trò để tạm biệt, không quên dặn ông Cường: “Nhớ là cái đài có thể chạy bằng điện nhé ! Cái đài dùng pin cứ phải thay liên tục, không tiện”./.

Tâm Ánh