Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỉ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm hữu cơ đã tăng mạnh lên 188 tỉ USD vào năm 2021.
Thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,… Thị trường này vẫn chủ yếu là rau quả hữu cơ, trong đó trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị chiếm tỉ lệ chính. Đặc biệt, những nông sản này đều là những mặt hàng xuất khẩu chính và có lợi thế của Việt Nam.
Thông tin trên Báo Lao động, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19.
Để phát triển thị trường hữu cơ tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: "Để xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng".
Ông Tiến nêu một số lý do như mô hình trồng nông sản hữu cơ còn nhỏ, lẻ; công nghệ chế biến, bảo quản chưa đúng mức; mẫu mã bao bì sản phẩm chậm cải tiến theo nhu cầu thị trường.
"Gần đây, sự việc rau không rõ nguồn gốc gắn mác VietGAP càng khiến người tiêu dùng lo ngại về sản phẩm gắn mác hữu cơ", ông Tiến nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam kiêm Giám đốc điều hành Công ty EColink, nói thêm không chỉ người tiêu dùng Việt mà những doanh nghiệp nhập khẩu cũng khá cẩn trọng và chưa thực sự tin vào chất lượng nông sản hữu cơ của Việt Nam.
Ông Đức dẫn chứng, năm 2008, khi sang châu Âu, công ty ông luôn bị đối tác yêu cầu về kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác lần đầu làm với công ty cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến doanh nghiệp phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm.
Còn bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.
Hiện nay, thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.
Theo bà Hạnh, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gen; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.